"Việc chuyển mục đích phải cần xem xét rất kỹ và được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án là phá hết rừng trồng bao nhiêu đời nay"
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới diễn ra sáng 14/10, Thủ tướng đánh giá công tác bảo vệ phát triển rừng thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực.
Theo đó, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên với năm 2016 tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016, cao hơn mức tăng 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012. Riêng năm 2016, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 7,3 tỉ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Nhờ có sự quan tâm hơn của các Bộ, ngành, địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về rừng có giảm. 9 tháng năm 2017, tình trạng vi phạm phá rừng giảm 21% về số vụ và giảm 71% về diện tích rừng bị thiệt hại. Các vụ phá rừng nghiêm trọng Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Các cấp, các ngành cũng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không theo quy định của pháp luật. Thậm chí có một số công trình thủy điện phát triển không theo quy định dẫn đến tình trạng phá rừng tự nhiên.
Có một câu hỏi là chúng ta có hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban rất lớn, nhưng có nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép mà cấp chính quyền địa phương chưa đề cao trách nhiệm. Phải coi việc phá rừng là vi phạm pháp luật cần nghiêm trị. Từ đó xác định trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp ủy chính quyền địa phương.
“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết chuyện này?” Và phải nói là không có vùng cấm trong xử lý vi phạm” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Để khắc phục những tồn tại này, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành phải tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó có nhiệm vụ tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; phải coi bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Thủ tướng cũng yêu cầu đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Hiện con số này là 41,19%.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề ra 3 chủ trương lớn mà các Bộ, ngành và địa phương phải triển khai, trong đó việc đầu tiên là tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương là quán triệt chủ trương này đến tổ chức và cá nhân được giao rừng tự nhiên.
Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.
Chủ trương quan trọng nữa là không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển; không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Thủ tướng cho biết, từ khảo sát kinh nghiệm quy hoạch vùng đồng bằng tại Hà Lan và vừa khảo sát vùng đồng bằng Sông Cửu Long cho thấy, biện pháp trồng rừng ven biển vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ người, giữ nước trước sự tàn phá của thiên nhiên. Do đó cần cân nhắc việc đưa dân vào các khu rừng ngập mặn, tránh tình trạng vì thiếu sinh kế dẫn đến phá rừng.
Nhân hội nghị này, Thủ tướng lưu ý các địa phương trong việc phát triển du lịch sinh thái dẫn đến phá rừng ven biển, hủy hoại môi trường rừng.
Thủ tướng nêu rõ: “Một số rừng ven biển hiện nay chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích này phải cần xem xét rất kỹ và được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch, làm sân golf, phá hết rừng trồng bao nhiêu đời nay. Chuyển bao nhiêu diện tích rừng phải được xem xét rất cẩn trọng bởi các cấp chính quyền và nhân dân ở đó, trình lên Bộ xem xét, khảo sát trực tiếp”.
Nhấn mạnh rừng chủ yếu nằm ở các địa phương, Thủ tướng cho rằng vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Bởi giữ rừng, phát triển vốn rừng, bảo vệ rừng chủ yếu là nhiệm vụ của các địa phương. Cũng như rừng ở Ba Vì, Hà Nội, không được chặt cây trong khu này; như Sơn Trà, lá phổi của Đà Nẵng, tàn phá như thế làm sao chấp nhận được. Thanh tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như vậy. Rừng trồng và phát triển vốn rừng là hướng phát triển lâu dài của đất nước và từng địa phương.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm và công khai kết quả xử lý để toàn xã hội giám sát. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Cùng với đó là tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
“Gần như thủy điện lớn chúng ta làm hết rồi. Chỉ còn một số công trình thủy điện nhỏ mà hiệu quả rất thấp, nhưng phá rừng rất nhiều thì nên dừng lại. Thủy điện có tác dụng rất lớn, cũng là nguồn năng lượng quan trọng, nhưng tác hại môi trường cũng rất ghê gớm, dòng sông khô cứng. Còn cái nào đặc biệt mà phát triển được, không cực đoan lắm, nhưng phải được Thủ tướng xem xét cụ thể trường hợp như vậy” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. Thủ tướng lưu ý tình trạng hợp thức hóa đất đai những khu vực đất “vàng” có rừng đã thành những chuyện ở xung quanh các đô thị lớn.
Theo Vũ Dũng/VOV