Thủ tướng kêu gọi quốc tế chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19

(Mặt trận) - Để phục hồi, trở lại tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVID-19. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng sự hợp tác quốc tế hiệu quả là không thể thiếu được.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). 

Ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa Ngài Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-In,

Thưa các vị Lãnh đạo,

Thưa các Quý vị đại biểu,

Trước hết, tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ  Hàn Quốc và Ngài Tổng thống Mun Chê-In đã chủ trì tổ chức Hội nghị với chủ đề hết sức có ý nghĩa này. Thay mặt Chính phủ Việt Nam và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các vị lãnh đạo, các quý vị đại biểu lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Thưa các Quý vị đại biểu,

Thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của ba thảm họa là đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chưa tính đến sự già hóa dân số ở nhiều quốc gia; để lại các hệ lụy to lớn, nhiều mặt, không chỉ hiện nay mà còn với các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, chính đại dịch và những khó khăn, thách thức cũng để chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên; và là động lực để thúc đẩy chúng ta vượt qua, khẳng định mình trưởng thành hơn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững hơn thời kỳ hậu COVID-19. Đây vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Trên cơ sở đó, tôi xin nêu một số đề xuất:

Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là Các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, để không có sự đảo lộn gây hiệu ứng “sốc”. 

Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ.

Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Những thách thức nghiêm trọng ở những nơi này đang rất cần sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là trong việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.

Thứ năm, để phục hồi, trở lại tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVID-19. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng sự hợp tác quốc tế hiệu quả là không thể thiếu được; như chia sẻ sự mất mát về tinh thần và vật chất; chia sẻ về công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine; tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác đi lại, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các quốc gia, nhất là không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia cần nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, có lợi cho việc phục hồi kinh tế và hợp tác quốc tế.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Đối với Việt Nam, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, dựa trên quan điểm như sau:

(1) Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng. (2) Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, trong đó có phát triển xanh. (3) Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển, chúng tôi xin bày tỏ sự xúc động và cảm ơn chân thành nhất trước sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong đó có Hàn Quốc trong thời gian qua. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp; nhất là trong các dự án hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh… hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Là thành viên của tất cả các thỏa thuận quốc tế chính về môi trường và biến đổi khí hậu, một trong những thành viên sáng lập của Hội nghị P4G, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi xanh và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, chúng tôi đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao Tuyên bố Xê-un do Chính phủ Hàn Quốc đưa ra tại Hội nghị lần này. 

Thưa các Quý vị đại biểu,

Tôi tin tưởng rằng, với những kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh biến đổi khí hậu ngày 22/4 vừa qua và Hội nghị khí hậu toàn cầu COP26 tháng 11 tới, Hội nghị P4G lần này sẽ góp phần đi vào lịch sử về sự thống nhất nhận thức, chia sẻ trách nhiệm và quyết tâm hành động; cùng chung tay nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế vượt qua mọi thách thức, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu.

Xin cảm ơn các quý vị đã dành thời gian lắng nghe và xin chúc

Hội nghị thành công tốt đẹp./.