Thủ tướng dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy

(Mặt trận) - Ngày 10/3 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, nhất là sau hơn 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy; từ đó, xác định nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho thời gian tới.

Nhiều kết quả nổi bật trong phòng chống ma túy

Theo báo cáo, thời gian qua, Bộ Công an - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm -  đã đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tháng 3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025…

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng; hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra.

Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có nhiều chuyển biến tích cực.

Với vai trò chủ công, nòng cốt, Bộ Công an đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam. Triển khai thực hiện các hiệp định song phương, đa phương và các bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, nhất là các nước có chung đường biên giới gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngăn ngặn ma túy thẩm lậu vào nước ta từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát…. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm cao độ, năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phối hợp, hiệp đồng phát hiện hiện, bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 809 kg heroin, 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867 kg cần sa và hơn 1 tấn ma túy khác. Lực lượng chức năng cũng đã triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy…

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 29.069 vụ, 41.313 bị can về ma túy. Tòa án nhân dân các cấp giải quyết 27.030 vụ, 39.322 bị cáo phạm tội về ma túy theo thủ tục sơ thẩm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỉ lệ cao (90,4% về số vụ; 89,3% số bị cáo).

Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển và các lực lượng có liên quan được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác tuyên tuyền về hậu quả, tác hại và các biện pháp phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, khu vực biên giới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học được thực hiện khá hiệu quả, kịp thời...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với Báo cáo và các ý kiến tại hội nghị; đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để triển khai công tác phòng, chống ma túy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ, phòng chống ma túy là nhiệm vụ nặng nề, cam go, nguy hiểm, nhưng cũng là nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, bởi "tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm". Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Nhận thức rõ mối hiểm họa này, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phòng, chống và kiểm soát ma túy; trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Nhìn lại hơn 1 năm qua, chúng ta triển khai Luật Phòng, chống ma túy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của nhiều yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine.

Hơn nữa, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực với "điểm nóng" về ma túy là vùng Tam giác vàng diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy ở nước ta. Cùng với những thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm ngày càng phức tạp, đặc biệt đã có dấu hiệu cấu kết với một số loại tội phạm hình sự, kinh tế, công nghệ cao…; dẫn đến nhiệm vụ phòng chống ma túy, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân khó khăn, gian khổ hơn.

Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với những kết quả nổi bật.

Quang cảnh Hội nghị 

Thủ tướng nhấn mạnh, nhận thức và hành động về công tác phòng, chống ma túy tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Ý thức và kiến thức về phòng chống, ngăn ngừa ma túy của nhân dân được nâng lên.

Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về phòng, chống ma túy ngày càng được hoàn thiện. Các cơ quan đã tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản quan trọng, nhất là Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cùng nhiều văn bản quan trọng khác.

Các lực lượng đã tích cực bám sát địa bàn, nắm tình hình đối tượng; xây dựng, củng cố và nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt tự quản về an ninh trật tự; đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy. Nhiều tỉnh, thành phố chủ động xây dựng quy trình quản lý, đề án, kế hoạch phòng, chống ma túy phù hợp đặc thù địa phương và phát huy hiệu quả như Sơn La, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Huế, Cần Thơ…

Chủ động mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; đấu tranh triệt phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Giải quyết và chuyển hóa cơ bản nhiều "điểm nóng", từng bước ngăn chặn "nguồn cung" ma túy, hạn chế những hậu quả, tác hại gây ra cho xã hội.

Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện, quản lý sau cai đã triển khai thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến các xã, phường, thị trấn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu từng bước giảm "nguồn cầu" về ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện trên toàn quốc giảm. Tính đến tháng 2/2023, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy cả nước là 48.200 và 191.400 người, giảm lần lượt 18.000 và 14.400 người so với tháng 12/2021.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển và các lực lượng có liên quan được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Công tác tuyên tuyền về hậu quả, tác hại và các biện pháp phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, khu vực biên giới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học được thực hiện khá hiệu quả, kịp thời.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, đóng góp; tri ân trước những cống hiến, hy sinh; nhiệt liệt chúc mừng những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng liên quan, các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng chống tội phạm ma túy thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

"Chúng ta cũng kính cẩn nghiêng mình trước 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, bộ đội và nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu đầy cam go với tội phạm ma túy", Thủ tướng bày tỏ.  

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, công tác phòng, chống ma túy thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Tình hình tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp. Một số địa phương chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thiếu cơ chế vận hành, công tác tổ chức thực hiện thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ; còn tình trạng "khoán trắng" cho lực lượng công an… Công tác cai nghiện, quản lý sau cai còn một số bất cập, chưa có nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng…

Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới như tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và mang tính quốc tế cao hơn, ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn, gắn kết chặt chẽ với các loại tội phạm tham nhũng, rửa tiền và buôn bán vũ khí. Số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều vào đối tượng là thanh thiếu niên ở khu vực đô thị…

Nỗ lực không ngừng, không nghỉ, không có điểm dừng

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm: Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thu tướng Chính phủ, mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, không nghỉ, không có điểm dừng của các lực lượng chức năng, mà lực lượng công an là nòng cốt; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo Thủ tướng, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy quốc tế và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta dự báo sẽ còn rất phức tạp. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, tệ nạn ma túy có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, khó lường cho xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Chia sẻ một số quan điểm để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống ma túy thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa ma túy và vai trò của công tác phòng chống ma túy. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

Ma túy là hiểm họa của nhân loại, là vấn đề toàn cầu nên phòng chống ma túy phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Đây cũng là vấn đề toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân.

Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

Phòng, chống tội phạm về ma túy phải "phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa; bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu".

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa đấu tranh, ngăn chặn và vận động, giáo dục, thuyết phục, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Trong đó, phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định với vai trò rất quan trọng của cấp cơ sở. Coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. "Cấp cơ sở phải làm tốt công tác tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ với những người khó khăn", Thủ tướng nói.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo và ý kiến tại hội nghị về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác phòng, chống ma túy. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới và các quốc gia có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy.

Đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; trong đó Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn cân đối, bố trí kinh phí từ các nguồn phù hợp cho các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình theo đúng quy định và khả năng cân đối ngân sách; các cơ quan khẩn trương hoàn thành, phê duyệt các dự án đã được giao thuộc Chương trình.

Bộ Công an thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy; tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới; phối hợp với lực lượng công an để phòng, chống ma túy từ xa, nhất là khu vực biên giới, trên biển.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để ma túy "núp bóng".

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đánh giá hiệu quả các biện pháp cai nghiện, nhất là biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; sớm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, phát huy tối đa các công nghệ số, nhất là tại các "điểm nóng" về ma túy và với nhóm nguy cơ cao.

UBND các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy, thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành kế hoạch phòng, chống ma túy; ưu tiên, bố trí kinh phí phù hợp, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập đáp ứng yêu cầu và áp dụng hợp tác công tư trong lĩnh vực này; tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Xây dựng các xã, phường, thị trấn không có ma túy.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý còn rất nhiều cam go, nguy hiểm và khó khăn phía trước đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ của người dân, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống anh hùng vẻ vang "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phát huy vai trò chủ công, nòng cốt, cùng các bộ, ngành, lực lượng khác ra sức phấn đấu lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trên mặt trận đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, lành mạnh và hạnh phúc của nhân dân.