Thủ tướng: Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn

(Mặt trận) - Sáng 10/1, tại tỉnh Hòa Bình, phát lệnh khởi công dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phấn đấu hoàn thành công trình trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, chất lượng, tuân thủ đúng các yêu cầu theo quy định.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút phát lệnh khởi công công trình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. 

Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là một trong nhiều dự án quan trọng được khởi công vào dịp đầu năm 2021 (cùng với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành) là hoạt động thiết thực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ, một nguồn điện quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước suốt hơn 30 năm qua.

Sau hơn 30 năm vận hành, đến hết năm 2020, Nhà máy đã cung cấp cho đất nước tổng sản lượng gần 250 tỷ kWh, hằng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước của tỉnh Hòa Bình hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với dung tích hồ chức gần 10 tỉ m3 nước, dung tích chống lũ 5,6 tỉ m3, Thủy điện Hòa Bình tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc chống lũ, bảo đảm an toàn cho Đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.

Do EVN làm chủ đầu tư với số tiền hơn 9.220 tỷ đồng, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng công suất đặt 480 MW với 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân 488,3 triệu kWh/năm. Dự kiến, tổ máy số 1 phát điện vào quý II/2024; tổ máy 2 phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024. Sau khi hoàn thành dự án mở rộng, tổng công suất của toàn bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2.400 MW. 

 Phát biểu tại lễ khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng theo quy định. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những công trình thủy điện lớn trên sông Đà, gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để có được công trình đóng góp cho đất nước với tổng sản lượng gần 250 tỷ kWh, biết bao xương máu, mồ hôi đã đổ xuống (168 cán bộ, kĩ sư, trong đó có 11 cán bộ kỹ thuật Liên Xô, đã hy sinh).

Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta nghiên cứu để khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2 hôm nay chính là thể hiện sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối những thế hệ đi trước trong việc tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”.

Thủ tướng đánh giá cao ngành điện đã vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước khi đứng trong nhóm đầu ASEAN về sản lượng, công suất; cung cấp điện cho hơn 99,3% số hộ dân nông thôn; chỉ số tiếp cận điện năng trong 6 năm qua đã tăng 129 bậc, vươn lên vị trí 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với việc mở rộng, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MW, nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên 2.400 MW, bằng công suất Thủy điện Sơn La. Như vậy, 3 nhà máy trên dòng sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) có tổng công suất 6.000 MW, là chuỗi nhà máy trên 1 dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp 30% sản lượng điện quốc gia.

Sau khi mở rộng và đi vào vận hành, Thủy điện Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát điện, điều tiết chống lũ, cấp nước, giao thông, tăng hiệu quả khai thác, nâng cao độ tin cậy, giảm chi phí vận hành của hệ thống điện quốc gia, đồng thời góp phần giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một công trình lớn, phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, khối lượng thi công lớn, phạm vi rộng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với EVN, Ban quản lý dự án, nhà thầu, các cơ quan liên quan là rất nặng nề. Thủ tướng đề nghị các đơn vị phát huy truyền thống tốt đẹp, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa Nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, chất lượng, tuân thủ đúng các yêu cầu quy định.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài và phát triển bền vững, nhất là đối với vùng hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay”.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu với EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan là phải bảo đảm chủ động cung ứng đủ điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là về nhiệm vụ đảm bảo nguồn điện và cung ứng điện. “Nếu để tình trạng ‘hai tối, một sáng, hai sáng, một tối’ thì người dân không chấp nhận”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Chỉ có trái tim nhiệt huyết, khát vọng vươn lên cùng bản lĩnh, niềm tin, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, chúng ta mới có thể hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong thời gian tới như Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”.