Thủ tướng điện đàm với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu

(Mặt trận) - Ngày 08/10 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu John Kerry.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu John Kerry. Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau hơn 25 năm tiếp tục phát triển ổn định, đi vào chiều sâu, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác phát triển bền vững là trọng tâm và hợp tác năng lượng sạch, tái tạo là điểm sáng, động lực mới. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như an ninh hàng hải, giáo dục - đào tạo, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ ngày càng chặt chẽ và không ngừng mở rộng.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn đối với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã hỗ trợ vaccine và thiết bị y tế cho Việt Nam để phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm của Chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu. Là một trong những nước có bờ biển dài, đồng bằng thấp, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ những rủi ro, thách thức gây ra bởi biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng nặng nề tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Dù quá trình chuyển đổi kinh tế xanh còn gặp nhiều khó khăn sau nhiều năm trải qua chiến tranh, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng Chính phủ khẳng định dù quá trình chuyển đổi kinh tế xanh còn gặp nhiều khó khăn sau nhiều năm trải qua chiến tranh, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, có lộ trình để giảm mạnh phụ thuộc vào điện than và tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với chủ trương của Việt Nam về phát triển bền vững và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Việt Nam đã đưa ra hàng loạt biện pháp giảm nhẹ phát thải khí metal, cắt giảm lượng khí phát thải nhà kính và phát triển năng lượng bền vững.

Thủ tướng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là tẩy độc dioxin, qua đó góp phần làm sạch môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Đặc phái viên John Kerry khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”. Ông John Kerry đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và khẳng định mong muốn Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Ông Kerry cho rằng Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng sạch, tái tạo (thủy điện, điện khí, điện gió và mặt trời), khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về công nghệ năng lượng sạch, tái tạo với các dự án hợp tác cụ thể.

Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đặc phái viên John Kerry cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường mạnh mẽ hơn các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và năng lực, tinh thần là chung nhận thức, cùng quyết tâm và hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau đạt được mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C./.