Thủ tướng đặt hàng các nhà khoa học, các trí thức nhiều đề tài quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững

(Mặt trận) - Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chủ trì Hội nghị toàn quốc "Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh

Dự Hội nghị tại Hà Nội còn có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Hội nghị có sự tham gia của trên 1.500 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đại diện cán bộ khoa học trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị cho biết, ngay sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, Đảng đoàn Liên hiệp Hội các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cán bộ khoa học, các hội viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, Liên hiệp Hội đặt mục tiêu tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi, phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổ chức của những người làm khoa học và công nghệ Việt Nam đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, có cơ chế, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước như: thí điểm thực hiện một số dịch vụ công; tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về chuyên gia, nhà khoa học; tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và kinh tế - xã hội khác. Trước mắt, có cơ chế đột phá để hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam kể cả công lập và ngoài công lập tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống COVID-19 như: sản xuất vaccine, kỹ thuật chẩn đoán mới, thuốc điều trị... để góp phần cùng cả nước ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã phát biểu tham luận chia sẻ kết quả hoạt động nổi bật của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp cốt lõi nhằm phát triển khoa học và công nghệ, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới; giới thiệu nhiều mô hình phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Hết lòng, hết sức cống hiến cho khoa học, cho đất nước

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức KH&CN, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, thời gian qua, Liên hiệp Hội đã phát huy tối đa vai trò là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo. Liên hiệp Hội là một trong những cái nôi ươm mầm KH&CN hiệu quả, môi trường thuận lợi để tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, là nơi để các trí thức KH&CN thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho đất nước.

“KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Hiệu quả hoạt động KH&CN nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo”.

Đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Cuộc sống của nhiều nhà khoa học còn đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng hết lòng, hết sức cống hiến cho khoa học, cho đất nước. Điều đó thật đáng trân trọng và tôn vinh”, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, KH&CN nước ta vẫn còn những  hạn chế.  Đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KH&CN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. Trong 10 năm qua, số lượng công trình khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đã có tăng nhưng còn hạn chế... Việc tham gia tổng kết thực tiễn, những cách làm hay, sáng tạo, có tính đột phá còn hạn chế.  Không ít công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện chứng từ, thủ tục thanh, quyết toán, thậm chí phải dùng nhiều biện pháp hành chính, kỹ thuật.... Hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN  

Phải có hành động để quản lý sự thay đổi

Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, yêu cầu phải có hành động để quản lý sự thay đổi. Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động gắn với bối cảnh thế giới hiện nay, gắn với phát triển khoa học và đội ngũ trí thức.

 “Thế giới của ngày hôm nay sẽ không phải là thế giới của ngày hôm qua do sự phát triển như vũ bão của KH&CN. Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay nếu quay trở lại mấy chục năm trước có lẽ chúng ta chỉ tưởng tượng trong phim khoa học viễn tưởng như sự kết nối qua không gian mạng hay phát minh trí tuệ nhân tạo, người máy... Khoa học trên thế giới đã thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển, ứng dụng của KH&CN được coi là sức mạnh mềm, biên giới mềm, thậm chí là chiến lược cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng phát biểu và nhấn mạnh: Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn toàn cầu và đòi hỏi sự thay đổi tư duy nhìn về thế giới, nhìn ra thế giới, tư duy quản trị đất nước nếu chúng ta không muốn là “một cỗ xe ngựa” sau khi thế giới đã phát minh ra xe ô tô. Nếu không đổi mới, chúng ta sẽ ở lại phía sau.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển KH&CN trong mọi mặt của đời sống đất nước. “Nhưng nhìn ra thế giới, đánh giá thực trạng trong nước và nghe tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí, chúng ta còn rất nhiều việc phải tư duy, suy nghĩ, trăn trở. Nhiều trí thức muốn có hệ sinh thái KH&CN rộng lớn hơn để phát triển ý tưởng, phương pháp, cách làm và sản xuất ra sản phẩm có giá trị, có hàm lượng KH&CN cao hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước; cần chính sách để phát hiện tài năng, thu hút và cống hiến… Hội nghị hôm nay cũng là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá và giải quyết các vấn đề mà chúng ta đều thấy trăn trở”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng đánh giá, Hội nghị đã tập trung vào những nội dung chính để giải quyết mong muốn và khát vọng đóng góp của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà khoa học cũng muốn biết cụ thể Chính phủ muốn gì từ các nhà khoa học để mỗi chúng ta cùng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước “phải bằng và dựa vào KH&CN”, “phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đại hội XIII của Đảng xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, nhất là đưa  KH&CN trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng nêu rõ.

Nghị quyết Đại hội cũng xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi, với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức KH&CN, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, động viên các hội viên triển khai hiệu quả 07 nội dung hoạt động được xác định trong Điều lệ theo Quyết định 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh: Dương Giang/TTXVN  

Không để tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám

Lấy nhiều ví dụ về các vấn đề khoa học đặt ra từ thực tiễn phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép. Nhiều nhà khoa học đã rất tâm huyết, trách nhiệm góp ý với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, ghi nhận và rất trân trọng các ý kiến này.

Ông cũng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện… Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm có hiệu quả cùng với hệ thống chính trị của chúng ta.

Thủ tướng gợi mở một số đề tài, nội dung lớn mà các nhà khoa học, các trí thức cần tập trung nghiên cứu thời gian tới, như tiếp tục tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, việc xây dựng nền dân chủ XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; vấn đề chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số...; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số…; các vấn đề cấp bách, bất ngờ như COVID-19 (nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược)…

Nhấn mạnh yêu cầu tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, mà đất nước đang cần, Thủ tướng Phạm Minh Chính kể lại câu chuyện về một hội thảo quốc tế về san hô đỏ dự kiến được tổ chức tại Việt Nam. Các cơ quan liên quan đều đã đồng ý, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chỉ hỏi một câu là “Việt Nam có nhà khoa học nào trong lĩnh vực này không”? Khi được biết câu trả lời là không, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định không tổ chức hội thảo nữa.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển KH&CN, đi cùng với cơ chế, chính sách và sự đầu tư để khuyến khích, tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến… Cùng với đó, tăng cường hợp tác công – tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước… Thủ tướng nhấn mạnh, “trong văn hóa có khoa học, trong khoa học có văn hóa” và truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc cũng là một nguồn lực phát triển cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

“Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra – đó là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không? Tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó”, Thủ tướng chia sẻ. Ông mong muốn, các đại biểu, các nhà khoa học vì trách nhiệm với đất nước, với Liên hiệp Hội sẽ nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, hạn chế, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.

“Tôi cũng muốn đặt hàng các đồng chí về đề tài này để là nguồn tài liệu quý giá Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, tổ chức bộ máy, con người...”, Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương cũng phải quan tâm hơn nữa tới phát triển KH&CN, cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kể cả ý kiến trái chiều.

Thủ tướng nhắc lại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 1 của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để Nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống Nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô chú”. Thủ tướng đề nghị thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Bác để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển và thịnh vượng.

Ông nhấn mạnh, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững bản lĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, kể cả ý kiến trái chiều, để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Về các đề xuất tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ giải quyết ngay, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì tập hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày trước thềm Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm quan một số mô hình, một số sản phẩm của các nhà khoa học và đội ngũ trí thức Việt Nam. Đây là những đề tài mang tính thời sự và khoa học, đang là nhu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường và nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân lao động trong cả nước về sản xuất cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng...