Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch COVID-19

(Mặt trận) - Kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đó là nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức  - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 29/5/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Tham dự cuộc họp, về phía Trung ương có: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền Thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; một số cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có: Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của 15 địa phương, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

I. Đánh giá tình hình và nguyên nhân

1. Đánh giá tình hình dịch bệnh

Thời gian qua, về tổng thể cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên cục bộ một số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là tình hình lây nhiễm trong các khu công nghiệp, từ khu công nghiệp ra cộng đồng và ngược lại; dịch cũng lây lan ở những địa điểm tụ tập đông người liên quan đến hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác nên rất khó kiểm soát.

2. Nguyên nhân

Đợt dịch lần thứ tư này bùng phát do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan là chính. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, biến chủng của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.

II. Về công tác chỉ đạo, điều hành

1. Ngay từ khi bắt đầu có dịch bùng phát lần này, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia đã thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả.

2. Đại đa số các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; chủ động, nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chức năng và thẩm quyền.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự tham gia, chia sẻ, ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và nhân dân; đã huy động được các nguồn lực đáng kể trong và ngoài nước cả về vật chất và tinh thần cho phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống dịch đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

4. Tuy nhiên vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn để bị động, lúng túng trong nắm bắt, đánh giá chính xác tình hình để đưa ra giải pháp quyết liệt, phù hợp hiệu quả.

III. Một số bài học kinh nghiệm

Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ tư: Một là, phải nắm chắc tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra đôn đốc đúng hướng, quyết liệt và hiệu quả. Hai là, việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, đúng quy định kết hợp với việc chủ động, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, tình hình cụ thể. Ba là, huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Bốn là, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là những vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách. Năm là, động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

IV. Về mục tiêu

1. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết.

2. Quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt cao điểm của đợt dịch bệnh bùng phát lần này, trước mắt tập trung cao độ tại các địa bàn có ổ dịch đang diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,  Hà Nội...

3. Tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt an ninh, an toàn, an dân.

4. Tổ chức kết thúc thành công năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2021 - 2022.

V. Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo

1. Kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tập trung thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, nhất là những nơi đang có các ổ dịch lớn thì phải tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh; tất cả phải với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, nhưng có trọng tâm, trọng điểm để nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

2. Trên cơ sở phát huy thành quả đạt được trong các đợt chống dịch bùng phát lần trước và những kết quả bước đầu của phòng, chống dịch lần này; bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo, chủ động, tích cực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động mọi nguồn lực hợp pháp trong xã hội, trong nhân dân, trong nước và ngoài nước.

3. Nắm chắc và dự báo đúng tình hình. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, quan trọng, đột phá, phòng ngừa là thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và là quyết định. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra.

4. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì Đảng, vì Nước, vì Dân; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các quy định, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch, nhất là việc quyết định phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với khuyến khích đổi mới sáng tạo; linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm theo phương châm cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá.

5. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phát huy và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; chú trọng tổng kết thực tiễn và từng bước xây dựng hoàn thiện lý luận. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, làm cho dân biết, dân hiểu, chia sẻ, tin tưởng, hưởng ứng, tích cực tham gia và thụ hưởng những thành quả từ phòng, chống dịch. Quán triệt tinh thần mỗi người phải tự bảo vệ mình, tức là bảo vệ cộng đồng và góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

6. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu, vươn lên; lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, khẳng định để trưởng thành; đồng thời phát huy giá trị con người và ý chí dân tộc Việt Nam trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Kiên quyết xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, những biểu hiện lợi dụng việc phòng, chống dịch để xuyên tạc, chống phá, gây nghi ngờ, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ và làm mất trật tự, hoang mang trong Nhân dân.

VI. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Những vấn đề mới, khó, nhạy cảm chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

2. Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vaccine và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài.

3. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vaccine.

4. Chú trọng công tác phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5k + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch. Quán triệt tư tưởng chủ đạo là phòng bệnh chủ động, tích cực, thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình.

5. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để quản lý công tác cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

6. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vaccine vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng Quỹ vaccine.

7. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và cùng chia sẻ khó khăn chung. Tổ chức công đoàn các cấp chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động.

8. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các nhà máy xí nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội... có đủ điều kiện có thể nghiên cứu, thực hiện cách ly tập trung tại chỗ theo đúng các quy định để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, hợp lý hiệu quả.

9. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thông cảm, được truyền cảm hứng để tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

VII. Tổ chức thực hiện

1. Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì chỉ đạo chung công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

3. Bộ Y tế chủ động huy động các nguồn lực tại các cơ sở đào tạo y khoa, tham gia hỗ trợ cho các lực lượng phòng chống dịch.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021; đồng thời chuẩn bị thật tốt cho việc khai giảng năm học 2021 - 2022 đúng quy định.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay việc nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai thực hiện các biện pháp công nghệ để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

6. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

7. Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân./.