Thông tin mới nhất về cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền

Do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300mm).

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

 Vị trí và đường đi của bão số 9. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Trong 3 giờ qua, bão số 9 hầu như ít di chuyển và có cường độ suy giảm.

Hồi 10 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, như vậy trưa nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.

Đến 22 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Cam-pu-chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.

Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8 giật cấp 10. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió giật cấp 6-7. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.

Từ đêm 25-27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80 mm/ngày); ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150 mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200 mm/ngày).

Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động 2-báo động 3, các sông nhỏ lên trên báo động 3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 1-báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.