Thảm chưa đỏ nên nhân tài không bước lên

Giáo sư về làm việc tại Hà Tĩnh sẽ được hỗ trợ kinh phí một lần 300 triệu đồng và hỗ trợ thêm 500 triệu đồng để mua đất, xây nhà, tổng cộng 800 triệu đồng. Đối với phó giáo sư, cả hai khoản cộng lại là 500 triệu đồng. Còn tiến sĩ, sẽ được hỗ trợ kinh phí một lần 300 triệu đồng. Đó là chính sách “trải thảm đỏ” được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chính sách “trải thảm đỏ” không mới, nhiều địa phương từng làm, nhưng chưa có nơi nào công bố hiệu quả. Thường thì phong trào ồn ào ban đầu, còn sau đó rơi vào im lặng. Bà Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tỉnh có chính sách này từ lâu, nhưng không thu hút được nhiều người về làm việc.

Vấn đề ở chỗ, người có thực tài thì không bước lên thảm, và ngược lại, người bước lên thảm thì địa phương không cần vì biết rõ họ không có thực tài.

300 triệu đồng tiền hỗ trợ đối với một tiến sĩ giỏi thuộc các ngành mà tỉnh ưu tiên như y tế, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin thì không có gì hấp dẫn. Họ không thể bỏ những nơi có thu nhập tốt hơn để về một tỉnh nghèo và phải cam kết làm việc 10 năm.

Có nhân tài nào lại cần hỗ trợ 300 triệu để trói phận mình trong đồng lương nhà nước.

Có tài thực sự, một ông tiến sĩ làm ra 300 triệu đồng không khó. Bởi vì, nếu tìm được công việc mức lương trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng, thì một năm họ đã thu nhập được nhiều hơn mức hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh đưa ra. Trong lúc, nếu chia 300 triệu đồng tiền hỗ trợ cho 10 năm tương đương 120 tháng, thì mỗi tháng họ chỉ được 2,5 triệu đồng. Làm nhà nước, lương chỉ chục triệu đồng, cộng thêm tiền hỗ trợ mỗi tháng 2,5 triệu đồng thì cũng không đáng vào đâu.

Tương tự, một giáo sư, phó giáo sư có thực chất cũng không thể nhận việc đi làm cho cơ quan nhà nước với mức hỗ trợ 300 triệu đồng. Cho dù “khuyến mãi” thêm tiền mua đất làm nhà thì cũng chẳng đáng. Vì lấy 800 triệu đồng chia cho 120 tháng thì mỗi tháng một giáo sư chỉ được hỗ trợ thêm khoảng 6,6 
triệu đồng.

Số tiền “khuyến mãi” này thu hút giáo sư, tiến sĩ bằng giả cũng không xong, nói chi người có chân tài thực học. Cho nên, chính sách trải thảm đỏ vì thế mà thất bại.

Phải thay đổi tư duy “săn đầu người” thì mới săn đước nhân tài. Chất xám là hàng hóa có giá trị cao nên phải được trả giá thật xứng đáng. Ngoài số tiền hỗ trợ làm “lễ vật” đón tiếp, điều quan trọng là chính sách trả lương cao để đảm bảo lâu dài, cao gấp nhiều lần mức lương Nhà nước quy định. Như thế may ra thảm mới thực sự đỏ.