Tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo

(Mặt trận) - Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Quang cảnh Hội nghị 

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH đồng chủ trì hội nghị.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn

20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng.Điều này thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Đến 30/11, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng. Gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị

Ghi nhận những kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chủ động, triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, những kết quả này đã khẳng định chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đã được tổ chức thực hiện thành công trên toàn quốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được xây dựng có tính chất đặc thù, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chỉ ra những con số “rất ấn tượng” khi tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng gấp 41,9 lần, vốn ủy thác được các địa phương quan tâm, tăng 26 nghìn tỷ đồng so với 20 năm trước, Phó Thủ tướng cho biết, chỉ riêng tỷ trọng vốn ủy thác của 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng đã chiếm tới hơn 50% số vốn ủy thác.

Cách làm này rất có lợi, địa phương giữ được vốn để dành và tiếp cấp vốn cho người dân, đối tượng yếu thế có cơ hội thoát nghèo, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội., Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm dành nguồn vốn ủy thác thỏa đáng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Việc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước từ 22% xuống còn 2,23%.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu năm 2020, cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động triển khai thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội là phức tạp nhưng đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc miễn giảm thuế, đây là hai nội dung thành công nhất trong Chương trình, Phó Thủ tướng ghi nhận.

Phó Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi đối tượng khách hàng của Ngân hàng là người nghèo, vùng sâu, vùng xa, món vay nhỏ lẻ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh rất thấp, giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11). Đây là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.

Giám sát vốn vay chặt chẽ

 

Dự báo năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nhiệm vụ đặt ra trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Do vậy, cần xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động.

Phó Thủ tướng lưu ý tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của nhà nước còn nhiều khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Ngân hàng tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.  Ngân hàng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn. Tăng cường thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành Ngân hàng.