Tạo sức lan tỏa trong chăm sóc, phụng dưỡng người có công

(Mặt trận) - Tại buổi tiếp đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp ra thăm Thủ đô Hà Nội sáng 10/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn", huy động các nguồn lực xã hội đưa công tác chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng ngày càng trở thành phong trào có sức lan tỏa trong xã hội.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thời gian qua, công tác chăm sóc người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quan tâm. Tỉnh đã công nhận và giải quyết chế độ cho trên 55.000 đối tượng người có công. Toàn tỉnh hiện có trên 12.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Với nỗ lực, cố gắng của địa phương, trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức, cơ quan nhận phụng dưỡng, chăm sóc.

Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện thường xuyên, liên tục, toàn tỉnh đã huy động trên 150 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng trên 11.000 căn nhà tình nghĩa; sửa chữa gần 4.000 căn nhà với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng. Hàng năm, có trên 1.000 lượt con em người có công được hỗ trợ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, hỗ trợ đời sống cho các gia đình người có công trên 5.000 suất với tổng số tiền 22 tỷ đồng…

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Việc lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tổ chức đưa đoàn người có công ra thăm Hà Nội đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều thế hệ đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có công nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống chính sách ưu đãi phù hợp với thực tế...

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, cả nước có khoảng 9 triệu người có công, với 1,2 triệu gia đình liệt sỹ, 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, khoảng 2 triệu gia đình thương bệnh binh, gia đình có công với đất nước, gia đình bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, đến nay còn những trường hợp liệt sĩ, thương binh… chưa được xác nhận, nhiều cống hiến chưa được tôn vinh. Đó là điều băn khoăn, trăn trở lớn trong việc thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Vì vậy trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân không ngừng nỗ lực để mỗi gia đình có công với cách mạng đều được tôn vinh xứng đáng.

“Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để người có công đều được hưởng chính sách đầy đủ, cuộc sống vật chất, tinh thần của người có công, thân nhân người có công ngày càng tốt đẹp hơn”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn", huy động các nguồn lực xã hội đưa công tác chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng ngày càng trở thành phong trào có sức lan tỏa trong xã hội, để các gia đình người có công ấm lòng hơn, để thế hệ hôm nay luôn khắc ghi công ơn của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong muốn, các cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người có công, thân nhân liệt sỹ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục con cháu và làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.