Tạo sức lan tỏa cho hoạt động phản biện xã hội

(Mặt trận) - Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” sáng 8/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, 63 tỉnh, thành phố cần lựa chọn những vụ việc phản biện xã hội điển hình, đi đến kết quả cuối cùng nhằm nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong thực hiện các hoạt động phản biện xã hội tại mỗi địa phương.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tham dự Hội thảo có đại diện Quốc hội, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam…

Gỡ khó cho công tác phản biện xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, để tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, MTTQ phải làm tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và thông qua giám sát, phản biện xã hội cũng là hình thức tuyên truyền chính sách, pháp luật có hiệu quả. Chính vì vậy giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận hiện nay.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng cho rằng, trong quá trình triển khai phản biện xã hội (PBXH) còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Mặt trận các cấp vẫn chưa phát huy được vai trò của mình trong việc phản biện lại các văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo quy chế, nghị định, chỉ thị…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung làm rõ cơ sở lý luận về PBXH, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tham gia phản biện xã hội và nêu rõ những thực trạng trong triển khai PBXH hiện nay, từ đó tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng PBXH trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật - UBTƯ MTTQ Việt Nam thẳng thắn bày tỏ, PBXH là một vấn đề lớn và mới, thời gian qua chúng ta làm còn lúng túng và hình thức.

Ông Trần Ngọc Đường cho rằng, PBXH phải mang tính dân chủ, khoa học và là phương thức kiểm soát các văn bản của Đảng và Nhà nước trước khi thi hành, những văn bản thể hiện ý nguyện của nhân dân, phản ánh được ý kiến nhiều chiều, nhiều tầng lớp và được nhân dân đồng tình sẽ hiệu quả khi đi vào cuộc sống. “PBXH được xem như một sự tác động của xã hội và phản ánh dư luận xã hội rộng lớn đối với sự ra đời của các văn bản. Người tham gia phản biện phải có bản lĩnh, chuyên môn và phải chọn những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để phản biện”, ông Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật - UBTƯ MTTQ Việt Nam đề cập tới vai trò của cơ chế tiếp thu, phản hồi và ảnh hưởng tới hiệu quả phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có cơ chế tiếp thu sẽ làm nản lòng người tham gia PBXH.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, sẽ không có PBXH bền vững nếu không có tiếp thu và phản hồi lại PBXH hoặc PBXH sẽ sớm bị thui chột nếu các ý kiến PBXH đưa ra bị “rơi vào im lặng”, người PBXH rơi vào tình trạng như võ sĩ “đấm không khí”. Còn, việc tiếp thu và phản hồi nếu thiếu đi tính nghiêm túc hay mang tính hình thức, đối phó thì cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiệm trọng và trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động PBXH và làm xói mòn nhiệt huyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện - yếu tố rất cần thiết nuôi dưỡng cho PBXH. Vì vậy, cơ chế tiếp thu, phản hồi cùng với ý thức thực hiện nó của chủ thể tiếp nhận phản biện là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động PBXH.

“Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì PBXH cần “đeo bám” thường xuyên, đôn đốc kịp thời việc tiếp thu, phản hồi ý kiến của cơ quan, tổ chức được PBXH. Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức đã được đôn đốc vẫn không tiếp thu, không phản hồi ý kiến PBXH thì cần có văn bản gửi cơ quan cấp trên của cơ quan này hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để thông báo ý kiến PBXH và việc tiếp thu hay không tiếp thu của cơ quan được phản biện, đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan này”, ông Nguyễn Quang Minh nêu rõ.

Khẳng định vai trò của PBXH, GS. Nguyễn Đăng Dung, Uỷ viện Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, phản biện là vấn đề mới và cần thiết trong gian đoạn hiện nay, muốn xã hội phát triển thì phải đẩy mạnh công tác phản biện và phải tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong triển khai công tác phản biện. Cơ quan nhận phản biện phải giải trình những vấn đề mà cơ quan phản biện đưa ra, người phản biện phải có trình độ và phải bảo vệ được luận điểm của mình, phải công khai phản biện và phải dùng dư luận xã hội để phản biện lại những vấn đề nổi cộm trong xã hội.

“Nếu không bảo vệ được vấn đề đưa ra thì công tác phản biện không thể thành công”, GS. Nguyễn Đăng Dung Dung nhấn mạnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt

Từ những kinh nghiệm trong triển khai công tác PBXH thơi gian qua, bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho rằng, MTTQ các cấp cần xây dựng lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ phản biện là những người thực sự có kiến thức trên các lĩnh vực, có kinh nghiệm công tác. Mặt trận cần có các biện pháp nâng cao trình độ cho cán bộ Mặt trận các cấp, đồng thời tập trung xây dựng một đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân và có đủ năng lực phản biện.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, những ý kiến góp ý này sẽ được tiếp thu, tổng hợp lại nhằm bổ sung, hoàn thiện, từ đó sẽ có những đánh giá cụ thể về nguyên nhân, giải pháp, và rút ra bài học hiệu quả để tạo được bước chuyển trong nhận thức về giám sát, phản biện.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng cho rằng, cần bớt hình thức và phải phát huy được vai trò của Mặt trận trong phản biện xã hội. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy vai trò chủ thể, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò chủ trì của MTTQ các cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, PBXH hằng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, làm rõ vai trò chủ trì của từng tổ chức chính trị - xã hội theo từng nội dung.

Đồng thời phải soạn thảo tài liệu, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở từng cấp, thực hiện tốt quy trình giám sát, PBXH từ khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện đến kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát, phản biện.

“Cần lựa chọn nội dung nhân dân đang bức xúc, các cấp và cả xã hội đang quan tâm để giám sát, phản biện xã hội. 63 tỉnh, thành phố cần lựa chọn những vụ việc PBXH điển hình, từ những kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố sẽ nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong thực hiện các hoạt động PBXH tại địa phương”,  Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý.