Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính

(Mặt trận) - Ngày 19/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện chương trình phối hợp về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017, và ký chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2020.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Dự chủ trì Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lê Vĩnh Tân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Chỉ số hài lòng có độ tin cậy cao

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, sau một năm thực hiện, chương trình phối hợp giữa Bộ Nội vụ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai đầy đủ tất cả các nội dung, theo đúng phương pháp và đạt kết quả, mục tiêu đã đề ra. Sự phối hợp chặt chẽ của ba cơ quan trong suốt quá trình triển khai góp phần để Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 có độ tin cậy cao, được các cấp, các ngành và đặc biệt người dân đánh giá tích cực.

Năm 2017, việc phát, thu phiếu điều tra xã hội học tại 63 tỉnh, thành phố được đảm bảo đúng thời gian, tiến độ, đúng các quy định. Các mẫu điều tra xã hội học được phát đến 33.900 người dân, tổ chức trong cả nước, cho từng dịch vụ, lĩnh vực dịch vụ của các cơ quan hành chính. Kết quả phản hồi phiếu điều tra xã hội học đạt kết quả cao, với tổng số phiếu thu về trong cả nước là 30.991 phiếu, đạt 91,42% số phiếu phát ra, trong đó số phiếu thu về hợp lệ là 30.741, đạt 90,68% số phiếu phát ra. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 được tổng hợp, phân tích từ 30.741 phiếu thu về hợp lệ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, Bộ Nội vụ đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm cao của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh các cấp trong việc khảo sát điều tra xã hội học phục vụ Đề án đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

“Thực tế kết quả triển khai đã phản ánh đúng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính hiện nay và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định các giải pháp phù hợp, khách quan nhằm khắc phục các vấn đề hiện nay, để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Huy động sự tham gia tích cực của người dân

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Nội vụ và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chủ tịch Trần Thành Mẫn nhấn mạnh, đây chính là việc triển khai thực hiện cụ thể Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính nhà nước.   

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, nếu như năm 2016, việc xác định Chỉ số hài lòng của người dân được triển khai tại 4 bộ và 10 địa phương thì đến năm 2017, chương trình phối hợp đã được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố. Năm 2018, việc xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước sẽ tiếp tục được triển khai rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, địa phương theo hướng nâng cao chất lượng để cải cách hành chính phải thực sự phục vụ cho nhân dân, cho tổ chức.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc đã chú trọng thực hiện 11 chương trình giám sát và 9 chương trình phối hợp giám sát với các cơ quan liên quan trên cơ sở Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN và Thông tư 337/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Để phát huy hiệu quả trong thực hiện chương trình phối hợp trong giai đoạn tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Bộ Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của người dân trong việc đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

“Các cơ quan thông tấn, báo chí cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để công tác tuyên truyền tạo được sức lan tỏa và huy động sự tham gia tích cực của nhân dân thì việc xác định chỉ số hài lòng mới thành công”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Bên cạnh việc tổ chức điều tra xã hội học tại 63 tỉnh, thành phố, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Nội vụ cần giám sát việc điều tra xã hội học theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm hơn tới sự vào cuộc và hiệu quả phối hợp thực hiện ở cấp huyện, cấp xã.

Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong thời gian tới, sự phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Bộ Nội vụ phải tạo được sự đồng bộ, chặt chẽ hơn từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt trong quá trình triển khai chương trình giám sát, các đơn vị tham gia cần thường xuyên liên hệ, trao đổi, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kết quả thực sự chính xác, khách quan.

Đề cập đến vấn đề kinh phí phục vụ cho thực hiện chương trình giám sát, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng các địa phương cần bám sát theo tinh thần của Thông tư  337/2016/TT-BTC, làm cơ sở cho việc dự toán, thanh quyết toán thực hiện chương trình.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, năm 2018 và những năm tiếp theo, các cơ quan tiếp tục phối hợp hiệu quả để góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chứng kiến đại diện lãnh đạo ba cơ quan ký Chương trình phối hợp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2018-2020.

Theo chương trình ký kết, trong giai đoạn 2018-2020, ba cơ quan sẽ tập trung phối hợp điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước hàng năm; tiến hành việc nhập liệu điều tra xã hội học, tổng hợp phân tích dữ liệu điều tra xã hội học, xây dựng báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hàng năm; công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hàng năm; thông tin, tuyên truyền về việc triển khai đo lường sự hài lòng và kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hàng năm.

Việc điều tra xã hội học tại 63 tỉnh, thành phố sẽ được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, sẽ tiến hành nhập dữ liệu điều tra xã hội học; tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra xã hội học và xây dựng báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Việc công bố Chỉ số về sự phục vụ hành chính, sơ kết chương trình phối hợp sẽ được tổ chức vào tháng 1 của năm sau.