(Mặt trận) - Tại sao một đạo luật quan trọng với nhiều nội dung mang tính đột phá, mở đường cho sự phát triển của Hà Nội như Luật Thủ đô lại chưa phát huy được hiệu quả, kỳ vọng như mong đợi? Là do Luật còn nhiều điều khoản mang tính nguyên tắc, “khung”, “ống”? Do tổ chức thực hiện? Hay do cả hai? Đặt câu hỏi này tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải trả lời rành mạch các câu hỏi này, “định vị” đúng vai trò, vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, từ đó, tạo động lực để Hà Nội phát triển “vì cả nước, cùng cả nước”.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật Thủ đô. Ảnh: Lâm Hiển |
Hội nghị do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều tối 30.10 với sự tham dự của: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển |
Đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô
Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã xác định việc “đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững” là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chủ trì tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đến nay, việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết và việc rà soát hoàn thiện chính sách đang được lãnh đạo UBND Thành phố tập trung chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện, thông qua các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực.
Song song với đó, Hà Nội cũng đang tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6.1.2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, nghiên cứu, đề xuất Báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045; Triển khai lập Quy hoạch Thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ).
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển |
Từ kết quả tổng kết, Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong nuốn của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy đối với việc đề xuất xây dựng Luật Thủ đô là phải bảo đảm: đúng đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Tuân thủ Hiến pháp; bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc, quyền con người, quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền Thủ đô và sự chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; kế thừa, phát huy những giá trị của Luật Thủ đô hiện hành.
Phải có tầm nhìn bao quát hơn
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với đề xuất của Hà Nội về việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô và nêu rõ, với tinh thần chủ động, thực hiện vai trò dẫn dắt hoạt động lập pháp, Quốc hội Khóa XV đã xây dựng định hướng chiến lược lập pháp cho cả nhiệm kỳ và đã được Bộ Chính trị thông qua với 137 nhiệm vụ, trong đó, đã có nhiệm vụ sửa đổi Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, ngày 21.11.2012 với mong muốn là một đạo luật có tính đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Qua 8 năm thi hành cho thấy, Luật Thủ đô, các văn bản quy định chi tiết đã góp phần giúp Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Luật Thủ đô hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định khó đi vào cuộc sống. Một số cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô thì các luật chuyên ngành được ban hành sau đã “vượt” lên, “phủ” lên quy định của Luật Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Hà Nội đang tiến hành tổng kết song song việc thi hành Luật Thủ đô, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; triển khai lập Quy hoạch Thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây là những công việc hệ trọng, có quan hệ mật thiết, thống nhất với nhau, trong đó Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045 sẽ là cơ sở chính trị đặc biệt quan trọng cho việc xây dựng quy hoạch Thành phố, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng sửa đổi Luật Thủ đô. Những nhiệm vụ này cũmg đã được Bộ Chính trị thống nhất xem xét, cho ý kiến tại phiên họp cuối tháng 12 năm nay. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hà Nội cũng cần tổng kết thêm cả việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội để từ đó, đánh giá tổng thể, toàn diện nền tảng thể chế chính sách, pháp luật đối với sự phát triển của Thành phố.
|
Ảnh: Lâm Hiển |
Gợi mở một số vấn đề nghiên cứu trong quá trình tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải “định vị” đúng vai trò, vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước”. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là kinh đô nghìn năm văn hiến với dấu ấn hết sức đậm nét của lịch sử, của di sản, văn hóa truyền thống. Tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội hiện mới chỉ đạt khoảng 49 - 50% nên dư địa để phát triển nhanh hơn, nhất là phát triển đô thị theo không gian ngầm, trên không còn rất lớn. Nguồn lực của Hà Nội, nhất là nguồn lực về tài chính, đất đai, con người, khoa học, công nghệ… cũng rất lớn.
Từ quá trình tổng kết thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải trả lời được câu hỏi, tại sao một đạo luật quan trọng với nhiều nội dung mang tính đột phá, mở đường như Luật Thủ đô lại chưa phát huy được hiệu quả, kỳ vọng như mong đợi? Nguyên nhân là gì? Phải chăng là do Luật còn nhiều điều khoản mang tính nguyên tắc, “khung”, “ống”? Hay do tổ chức thực hiện? Hay do cả hai? Phải trả lời rành mạch các câu hỏi này làm cơ sở cho việc định hình các cơ chế chính sách mới cũng như đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô thật xác đáng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội phải rà soát, xác định rõ phạm vi sửa đổi của Luật Thủ đô có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với Luật hiện hành, bảo đảm tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình phát triển của đất nước, đồng thời cũng phải tạo được động lực cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Theo đó, ngoài các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, văn hóa, xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức… cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá mạnh mẽ hơn nữa cho Thủ đô, từ đó giúp Hà Nội huy động và phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn, trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, động lực phát triển của vùng, của đất nước; nghiên cứu có các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn có tính đặc thù và phương thức hoạt động, cơ chế vận hành, quản trị Thành phố theo hướng “Xanh - Thông minh - hiện đại”, xây dựng chính quyền số, chính quyền đô thị hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương… Sửa đổi Luật Thủ đô cũng phải có tầm nhìn dài hạn theo các mốc thời gian đã được xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội Khóa XVII.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Hà Nội cần tham khảo kinh nghiệm của các nước về việc xây dựng Luật Thủ đô, có phải nước nào cũng có Luật Thủ đô riêng hay không? Nếu có Luật Thủ đô riêng thì nội hàm quy định gồm những vấn đề gì? Cùng với đó, cần nghiên cứu, đánh giá căn cơ việc áp dụng pháp luật giữa Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành như thế nào để bảo đảm hiệu lực thực thi của luật.
Phạm Thúy