Tăng cường trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Mặt trận

(Mặt trận) - Ngày 8/11, tại Hà Nội, cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Phổ biến giáo dục pháp luật hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 9/11/2018”. Tham dự buổi sinh hoạt có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề.

Tại buổi sinh hoạt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan được nghe giới thiệu về những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018. Theo đó, Luật Tố cáo 2018 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011. Luật có 9 chương và 67 điều. So với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 được cho là có nhiều điểm mới, đáng chú ý, Luật đã bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (Điều 12); bổ sung quy định về xử lý tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (Điều 22); bổ sung quy định về việc cho phép rút tố cáo, quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo; bổ sung những quy định quan trọng về việc bảo vệ người tố cáo (từ Điều 47 đến Điều 58).

Bên cạnh đó, Luật rút gọn trình tự giải quyết tố cáo chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như Luật Tố cáo 2011, bao gồm: Thụ lý tố cáo, Xác minh nội dung tố cáo, Kết luận nội dung tố cáo, Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; rút gọn thời gian tố cáo là không quá 30 ngày thay vì 60 ngày như trước; trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần, nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30). Luật cũng quy định giao Thanh tra Chính phủ là đầu mối trong việc tiếp nhận, phân loại và đề xuất giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Nhân dịp này, Công đoàn cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động đợt thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Tại buổi sinh hoạt, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng đã giới thiệu chuyên đề: Vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp.

 

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, cả về tổ chức triển khai và kết quả đạt được trên từng lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có sự vào cuộc giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, từ đó đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ về hoàn thiện chính sách, pháp luật và về tổ chức thực hiện để đây thực sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần theo dõi việc hoàn thiện thể chế, tham gia xây dựng pháp luật; tiếp tục triển khai 2 chương trình giám sát về cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chương trình phối hợp giám sát cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Bên cạnh đó, với 11 chương trình giám sát hiện nay, Mặt trận các cấp cần tập trung giám sát thực hiện các nội dung, hình thức công khai để biết đâu là hình thức, đâu là thực chất, từ đó phát huy dân chủ và giám sát của người dân, kiến nghị mở rộng công khai bằng những hình thức thiết thực, hiệu quả.

“Công khai, minh bạch là chìa khóa để chống tham nhũng, phiền hà, quan liêu, tiêu cực để xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi mở.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho biết, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, trong những ngày qua, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã có những đợt sinh hoạt ý nghĩa, phổ biến những kiến thức pháp luật hữu ích tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan.

“Đợt sinh hoạt đã lựa chọn những nội dung mới, thiết thực, liên quan trực tiếp đến triển khai nhiệm vụ của cán bộ Mặt trận trong giai đoạn hiện nay”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, từ những nội dung triển khai trong đợt sinh hoạt chuyên đề này, cán bộ Mặt trận đã được trang thêm bị những kỹ năng cần thiết trong thực hiện công việc được giao và có những mục tiêu cụ thể, thiết thực hưởng ứng đợt thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh lưu ý, trong triển khai các phong trào thi đua chào mừng Đại hội, các ban, đơn vị cần xác định rõ mục tiêu, nội dung phong trào thi đua của mình để có những việc làm thiết thực nhất hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp.

“Mỗi ban, đơn vị cần triển khai song song 2 chương trình thi đua: chương trình thi đua hàng năm và chương trình thi đua chào mừng Đại hội, từ đó để mỗi cá nhân xác định được mục tiêu trong công việc của mình”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh gợi mở.