(Mặt trận) - Chiều 28/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị Sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.
Dự Hội nghị có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị chức năng của hai cơ quan.
Trong hai năm qua, hoạt động phối hợp công tác theo Quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ban Nội chính Trung ương đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động phối hợp từng bước đi vào nền nếp, tạo ra bước chuyển biến tích cực trong mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai cơ quan.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định, trong 2 năm, Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã phối hợp thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Hai bên đã phối hợp chỉ đạo việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về các vấn đề an ninh, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tham nhũng, lãng phí để dự báo tình hình, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
Hai cơ quan cũng phối hợp chỉ đạo công tác giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí; giám sát trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền vận động tổ chức để nhân dân giám sát phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí của các bộ các cấp nhất là cán bộ chủ chốt và cán bộ, công chức, viên chức ở những vị trí dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Đặc biệt, Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chỉ đạo tổ chức hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân thuộc các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí gây mất ổn định chính trị - xã hội; phối hợp trong thực hiện và trao đổi thông tin về PCTN; phối hợp trong công tác tham gia xây dựng pháp luật có liên quan đến PCTN như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Khiếu nại (sửa đổi), Luật PCTN (sửa đổi)… Đồng thời, tổ chức thí điểm giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN tại một số dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Kiên Giang và Long An.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đánh giá cao những kết quả đạt được trong 2 năm qua và cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác phối hợp như việc trao đổi thông tin về kết quả xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa được thường xuyên; việc phối hợp phân tích ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng để kiến nghị với Đảng, Nhà nước chưa thực sự bài bản và trở thành việc thường xuyên…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao kết quả phối hợp trong thời gian qua, kết quả đó góp phần vào thành tích chung của mỗi cơ quan.
Về phương hướng thời gian tới, ông Võ Văn Dũng đề nghị, hai cơ quan cần tiếp tục phối hợp, triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong chấp hành quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; phối hợp giám sát việc thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài và có ảnh hưởng tới trật tự trị an; phối hợp giám sát việc thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và phối hợp giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo ông Võ Văn Dũng, hai bên cần tiếp tục phối hợp giám sát các dự án kinh tế lớn; giám sát những vụ việc có dấu hiệu oan sai; phối hợp nắm tình hình nhân dân đối với các vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, các đạo lạ, những vùng xung yếu từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp phù hợp…
Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh lưu ý, hai bên cần đôn đốc, hướng dẫn MTTQ và Ban Nội chính các địa phương tiến hành ký kết quy chế phối hợp. Đối với các địa phương đã ký kết chương trình phối hợp phải tiến hành sơ kết để từ đó đề ra phương hướng phối hợp trong thời gian tới
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, hai cơ quan cần có sự phân công nhiệm vụ cho các cho các đầu mối để cụ thể hóa quy chế phối hợp, nhất là các nội dung giám sát. Cùng với đó cần tăng cường cơ chế trao đổi thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả triển khai thực hiện quy chế phối hợp.
Hương Diệp - Ảnh: Kỳ Anh