Tấm gương của một nhà lãnh đạo

Tin Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời được bản tin sáng 17/3/2018 phát đi không làm tôi bất ngờ vì biết ông lâm bệnh nặng từ lâu. Song, tôi vẫn cứ bàng hoàng, xao xuyến trong nỗi nhớ tiếc như nhớ tiếc một người thân.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thủ tướng Phan Văn Khải bên hành lang Quốc hội tháng 5/2006. Nguồn: thanhnien.vn

Ông là hiện thân cho sự trung thành với lý tưởng của Đảng, một người đảng viên, người cán bộ của nhân dân, từ nhân dân mà ra và luôn gần gũi với nhân dân, thủy chung với anh em, đồng chí. Ông là biểu hiện của cái đẹp, cái đẹp không bao giờ lẫn lộn, dung hòa với cái xấu, cái ác. 

Mọi người dân Việt Nam và tận đáy lòng mình, tôi biết ơn ông một cách sâu sắc vì ông là vị Thủ tướng thực hiện xuất sắc các nghị quyết của Đảng về Đổi mới, làm nên sự phát triển thần kỳ của kinh tế Việt Nam. Thời kỳ ông làm Thủ tướng từ ngày 25/9/1997 đến ngày 27/6/2006 là thời kỳ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 8%, lạm phát dưới 10%, kinh tế vĩ mô ổn định; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành quả đó không chỉ làm đổi thay cuộc sống của mỗi gia đình mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, đó cũng là thời kỳ mà diễn biến của suy thoái đạo đức, nạn tham ô, tham nhũng - tuy không bằng sau này - nhưng cũng đã lên đến mức cao; thời kỳ xảy ra sòng bạc Năm Cam và sự lộng hành của xã hội đen có sự bảo kê của cán bộ biến chất trong hệ thống chính quyền; thời kỳ PMU 18 và nhiều dự án khác tìm cách rút ruột Nhà nước. Việc chạy chức, chạy quyền trở nên phổ biến. Cơ chế trói tay mọi người, kể cả Thủ tướng. Chính ông Khải cũng từng than vãn: Tôi là Thủ tướng mà không được quyền đề bạt hay kỷ luật một anh thứ trưởng nào!

Vì vậy, dù tín nhiệm đang cao, ông đã khảng khái từ chức, khi còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, ngày16/6/2006, là phóng viên được dự, đưa tin về Quốc hội tôi còn nhớ rõ buổi chiều hôm đó. Khi 12 thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn xong, đúng 15h, Thủ tướng Phan Văn Khải bước lên bục. Mặc dù, nhiều người biết trước việc xin từ nhiệm của Thủ tướng đã được Trung ương chấp thuận, song không khí hội trường vẫn hồi hộp, xúc động lạ thường, nhất là khi Thủ tướng nói: "Có thể đây là lần cuối cùng tôi phát biểu trước Quốc hội với cương vị là người đứng đầu Chính phủ…”.

Tất cả đều lắng nghe, ghi nhớ thật kỹ từng lời của ông, những tiếng nói sự thật cất lên từ một người trong cuộc, có trách nhiệm; cất lên từ trái tim của một người đảng viên chân chính, một người có tình yêu dân, yêu nước sâu sắc:

"Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn… Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội... Tôi chính thức xin từ nhiệm sớm một năm để chuyển giao chức vụ cho một ủy viên Bộ Chính trị khác”.

"Mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những thành công mà cả những mặt còn yếu của tôi. Rất mong Quốc hội chấp nhận đề nghị từ nhiệm của tôi", Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc bài phát biểu vào đúng 15h40. 

Và sau đó, khi được thôi chức, ông trở về quê hương Củ Chi thân yêu, ít xuất hiện trước công chúng, nhưng hình ảnh đẹp và những công lao đóng góp của ông được nhân dân ghi nhớ, kính trọng. 

Việc Thủ tướng từ chức không chỉ là hành vi của một người có tự trọng, có nhân cách, một hành vi có tính chất cá nhân mà có tác động tích cực trong công tác cán bộ, ý thức chức vụ gắn liền với trách nhiệm.

Vì sao Thủ tướng Phan Văn Khải có được những thành công trong cuộc đời và để lại một gương sáng, một tình cảm tốt đẹp trong nhân dân?

Tôi nghĩ rằng, trước hết ông là người yêu dân, yêu nước một cách máu thịt, người có gắn bó sâu sắc với đời sống nhân dân, với thực tế đời sống nên làm việc gì cũng nghĩ đến dân, đến nước trước hết. Tức là tinh thần “dĩ công vi thượng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ cách mạng phải coi trọng. Ông là người nhìn vào đâu cũng cố gắng tìm ra nguyên nhân, giải pháp; tuân theo quy luật chứ không kinh viện, máy móc để “tháo gỡ, cởi trói”, từ ông hay dùng, việc ông thường làm từ lúc còn công tác ở TP. Hồ Chí Minh đến khi đứng đầu Chính phủ.

Thứ hai, ông là người trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, suốt đời giữ trọn lời thề của người đảng viên như phát biểu của ông tại Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Bám sát nghị quyết của Đảng, tuân thủ kỷ luật Đảng (cả khi một mình, khi là thành viên lãnh đạo của Đảng) không chỉ có được sự soi rọi dẫn tới thành công trong công việc mà còn tự giữ gìn phẩm chất, nâng cao nhân cách, đạo đức người cách mạng; ít khi sai lầm, sa ngã.

Thứ ba, khi làm Thủ tướng, ông biết khả năng mình có hạn, do đó đã lập nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng; một cơ quan mà mọi người thường nói là “Ban 5 không: không biên chế, không lương, không chức, không cấp trên cấp dưới, không hạn chế suy nghĩ và phát biểu ý kiến về mọi vấn đề”. Thực chất đây là việc biết dùng người tài. 

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, ông là người biết tri túc, tri chỉ. Cái biết quan trọng của ông là biết làm người bình thường, vui cái vui của người bình thường; biết bình đẳng và trân trọng mọi con người. Ông không cho rằng, mình đứng đầu cơ quan thì cơ quan ấy là của mình; đứng đầu Chính phủ thì không coi Chính phủ là của mình (như rất nhiều người lầm tưởng hoặc cố tình biến ra thành vậy). Chức vụ chỉ là Đảng và Nhà nước phân công. Nếu mình không làm tròn, để có khuyết điểm thì từ chức để Đảng phân công người khác làm. Mình kính trọng mình trước thì được nhân dân kính trọng. 

Trần Đức Nguyên, một trong những thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khi được hỏi nếu cần dùng một từ để nói về Phan Văn Khải là từ gì, ông đáp: “Nhân”.