Sát dân, gần dân để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh

(Mặt trận) - Chiều 24/11, tại Lạng Sơn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng “Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tham dự Hội thảo còn có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nông Thị Lâm, cùng đại diện Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh và đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên.

Tại Khoản 1, Điều 9, Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 đã khẳng định: MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, nhiệm vụ “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” đã và đang được MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đã thu được những kết quả tích cực, thể hiện ở những nội dung như: Hoạt động tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân có nhiều đổi mới; công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được thực hiện nền nếp, bài bản; công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm… Đây đều là những hoạt động thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà MTTQ các cấp đã làm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, thời gian qua, hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhiều lúc, nhiều nơi chưa được thường xuyên, kịp thời, đầy đủ; chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri chưa cao, giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri ở nhiều nơi chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở...

“Những vấn đề này đang đặt ra cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp và cho cả hệ thống Mặt trận trong giai đoạn hiện nay bởi những nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Mặt trận, nếu được thực hiện tốt và hiệu quả sẽ góp phần tích cực xây dựng, hoàn thiện việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Xuất phát từ những cơ sở thực tiễn trên, đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá rõ thực trạng thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ở cấp địa phương và tìm ra các giải pháp thông qua việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của MTTQ Việt Nam; công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật; tham gia công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội…

Theo bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai và đạt được hiệu quả tích cực, trong đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức được 39 hội nghị để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với 2.817 lượt cử tri, tổng hợp 267 ý kiến, kiến nghị, phản ánh, đề đạt nguyện vọng của cử tri báo cáo Trung ương; tổ chức 2.165 hội nghị tiếp xúc giữa đại biểu HĐND các cấp với 154.044 lượt cử tri, tổng hợp 9.483 lượt ý kiến; các Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát được 1.469 cuộc, phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết được 63 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 1.262 chủ đầu tư xử lý, giải quyết 119 vụ việc…

Tuy nhiên, theo bà Lâm, trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt công tác giám sát và phản biện ở cấp huyện và cấp sở còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, thực hiện quy trình giám sát; các ý kiến, kiến nghị, đề xuất với cơ quan, tổ chức đơn vị được giám sát còn chưa cụ thể; số công dân đến MTTQ để thông qua MTTQ các cấp có phản ánh, kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan chức năng còn hạn chế.

Để khắc phục những vấn đề này, bà Nông Thị Lâm cho rằng, chính quyền các cấp cần quan tâm phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện, các cuộc vận động, các phong trào thi đua; cán bộ làm công tác Mặt trận phải có trình độ năng lực thực tiễn, đồng thời phải đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền, sát với đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân; lựa chọn nội dung giám sát phải xuất phát từ yêu cầu thực tế tại cơ sở và chọn ra những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Theo ông Vi Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chi Lăng, để phát huy vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, MTTQ các cấp cần nâng cao chất lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri, đồng thời phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện với nhân dân; kịp thời theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng với những kiến nghị của cử tri. Đồng thời phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, các cá nhân tiêu biểu, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Theo bà Lý Thị Xuyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hoàng Đồng, trình độ, năng lực của một số cán bộ Mặt trận còn hạn chế nên việc nắm bắt, tổng hợp ý kiến của nhân dân có lúc chưa kịp thời, việc định hướng, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân còn hạn chế; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa dứt điểm và còn tình trạng kéo dài; cán bộ cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc.

Từ thực tiễn, bà Xuyến cho rằng, Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ MTTQ; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ cấp cơ sở; động viên nhân dân giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời tăng cường thực hiện giám sát độc lập của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. “Người cán bộ Mặt trận phải có tâm, phải sát dân, gần dân để giải đáp kịp thời những vấn đề mà nhân dân quan tâm.”, bà Xuyến chia sẻ.

Tiếp thu những ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định đây chính là những bằng chứng thực tiễn và các giải pháp thiết thực để giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình hành động do UBTƯ MTTQ Việt Nam đề ra.