Sáp nhập huyện, xã: Ngăn “tranh thủ” bầu bán, giảm dần cấp phó dôi dư

Ở những nơi tiến hành sắp xếp cấp huyện, xã tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm và tuyển dụng cán bộ. Số phó dôi dư sẽ có lộ trình giảm dần theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Quy định này nhằm tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đang chuẩn bị sắp xếp, gây khó khăn thêm cho việc bố trí ở các đơn vị mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Công việc rất hệ trọng

Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất tới nay, các đơn vị hành chính đã có nhiều lần thay đổi lớn. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, quá trình chia, tách đơn vị hành chính các cấp, bên cạnh một số kết quả trước mắt đạt được như việc quản lý của chính quyền gần dân, có những thay đổi nhất định về kinh tế - xã hội, thì việc chia, tách cũng dẫn đến phân tán các nguồn lực, tiềm năng phát triển của các địa phương, làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, tăng biên chế,...

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Xác định sắp xếp đơn vị hành chính là công việc rất hệ trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương nên việc tiến hành sắp xếp lần này cũng có lộ trình từng bước.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), xã, phường, thị trấn (cấp xã). Bên cạnh quy định các đơn vị hành chính phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định còn khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì hiện có 16 quận, huyện và 631 phường, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số cần phải sắp xếp. Tuy nhiên, tinh thần của Bộ Chính trị là việc sắp xếp phải cân nhắc, tính toán đến cả yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán, yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh, kinh tế xã hội…. Do đó, các cơ quan phải có kế hoạch cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, mà trước hết UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị nêu rõ lộ trình, yêu cầu trong năm 2019 cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Từ 2021-2030 sắp xếp các đơn vị còn lại thiếu 1 tiêu chí. Nghị quyết lần này chỉ tập trung giải quyết vấn đề của năm 2019, tức sắp xếp những đơn vị hành chính không đạt cả 2 tiêu chí. Điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng đề án phải sớm được địa phương bắt tay thực hiện bên cạnh công tác tuyên truyền, tư tưởng.

Tạm dừng bầu lãnh đạo, giảm dần cấp phó dôi dư

Nghị quyết đã quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị của những nơi sẽ thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.

“Chậm nhất không quá 60 ngày sau khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để thực hiện sắp xếp cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành, các địa phương phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị của đơn vị hành chính mới” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Khi sáp nhập, chỉ phải điều chỉnh hộ khẩu nếu thay đổi địa chỉ ở, còn một số giấy tờ như CMND, thẻ căn cước, sổ đỏ không bắt buộc đổi, trừ khi công dân có nguyện vọng. Việc cập nhật, thay đổi đều không thu phí.

Cùng với đó, việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tinh gọn, không được tăng thêm đầu mối. Nghị quyết yêu cầu khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì phải tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo, số lượng công chức, viên chức bảo đảm đúng số lượng theo quy định. Trường hợp chưa sắp xếp và giải quyết được thì số lượng không được vượt quá tổng số trước khi sáp nhập.

“Chế độ, chính sách trên tinh thần có linh hoạt nhưng cũng có nguyên tắc. Linh hoạt là khi sáp nhập, số lượng cấp phó và cán bộ công chức có thể dôi lên so với quy định chuẩn hiện nay nên có lộ trình giảm dần” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Và chậm nhất sau 5 năm kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị quy định mới phải bảo đảm đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định về việc áp dụng các chế độ, chính sách giải quyết dôi dư theo quy định hiện hành của Chính phủ; đồng thời đồng ý giao HĐND, UBND cấp tỉnh xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư xin nghỉ.

Một điểm đáng chú ý là việc sắp xếp không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế trong các cơ quan nhà nước mà còn gồm tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan Đảng, đoàn thể. Những nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Đảng đoàn Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo thẩm quyền, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất.