Quốc hội xem xét, quyết định nhân sự Nhà nước

(Mặt trận) - Tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, một số Phó Chủ tịch Quốc hội; miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Tuần tới, Quốc hội tiến hành xem xét, quyết định công tác nhân sự nhà nước.

Đầu tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày 29/3 và sáng 30/3 thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Trong tuần làm việc, Quốc hội bắt đầu xem xét, quyết định công tác nhân sự nhà nước.

Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, một số Phó Chủ tịch Quốc hội; miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trong tuần, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước; về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Những nội dung chính của Kỳ họp Quốc hội thứ 11. 

Thông tin về Kỳ họp thứ 11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 12 ngày và họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Quốc hội sẽ dành 6 ngày rưỡi để tiến hành công tác nhân sự, xem xét, phê chuẩn, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước. Thời gian còn lại sẽ tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ và các hoạt động khác.

Trong đó, các nội dung về tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và báo cáo công tác của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước sẽ được tiến hành thảo luận tại tổ.

Phiên thảo luận tại hội trường về các nội dung này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp như thông lệ để cử tri và nhân dân có thể trực tiếp theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho đến ngày làm việc cuối cùng của nhiệm kỳ. 

Các nội dung về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV; kết quả hoạt động của Hội đồng Bầu cử Quốc gia từ khi thành lập đến tháng 3.2021 cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi. 

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước đã được thực hiện từ kỳ họp cuối nhiệm kỳ Khóa XIII. Lần này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm sự liên tục trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của đất nước./.