Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Tập trung thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ

(Mặt trận) - Để thúc đẩy, hướng tới thực hiện tối đa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thảo luận tại hội trường sáng nay, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, Chính phủ, các bộ, ngành phải tập trung thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa là trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh 

Sáng ngày 1/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Cần quan tâm đến các chính sách thuế

Quan tâm đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhất là thời điểm cuối quý I.2023 lần đầu tiên xảy ra tình trạng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường.

Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp còn chịu tác động của nhiều bất cập trong nội tại nền kinh tế, như: sự mâu thuẫn trong một số chính sách, pháp luật; điều kiện kinh doanh tồn tại nhiều rào cản... Đặc biệt, theo đại biểu Thạch Phước Bình, sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp do một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã để doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn trong 9 tháng đầu năm nay.

Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ đã đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh, bám sát phương châm đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ, dự báo thời gian tới, nền kinh tế thế giới sẽ biến động khó lường với chuyển động không mấy tươi sáng, trong khi đó nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực bên ngoài. Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh.

Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy, hướng tới thực hiện tối đa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa là trọng tâm.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần quan tâm đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ, các doanh nghiệp hiện còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Vì vậy, để kích cầu nền kinh tế, nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.

Hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp; không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Mặt khác, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho biết, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới như tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra; áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Trước những khó khăn nêu trên, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021 – 2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới. Cùng với đó, nguồn tiết kiệm tăng thu giảm chi trong năm 2021 dự kiến bố trí cho các cơ sở y tế, đại biểu bày tỏ tán thành, tuy nhiên cần gia hạn nguồn lực này đến cuối năm 2025 để tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình đấu thầu, đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Do đó, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Một số ý kiến cũng đề nghị, cần khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu để từ đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đối với tiềm năng và sự phục hồi của nền kinh tế. Có thể thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng đồng thời tăng hỗ trợ an sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.