(Mặt trận) - Sáng 13/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Tư, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp |
Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP
Báo cáo một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi dự kiến chương trình Kỳ họp được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với dự kiến chương trình. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự kiến tại Kỳ họp thứ Hai sẽ bố trí thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15) cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do hiện nay còn dư luận người dân một số nơi phản ánh chưa nhận được hỗ trợ; bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Hai. Báo cáo về thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh Châu Âu sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội sau khi Hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19 trong phiên khai mạc kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị chưa bố trí Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào chương trình Kỳ họp thứ Hai để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp sau.
Các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đến nay đã bảo đảm về hồ sơ nên cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ông Bùi Văn Cường cho biết, vừa qua có ý kiến đề nghị nên chọn 1 tỉnh có tính đại diện khu vực Bắc Trung Bộ để thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, không nên thực hiện cùng một lúc đối với 3 tỉnh trong cùng một khu vực, nhất là khi cả nước đang phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế đặc thù đối với các nhóm địa phương khác nhau sẽ là tiền để tổng kết đánh giá trong giai đoạn tới, làm căn cứ sửa đổi và cụ thể hóa các chính sách trong các luật chuyên ngành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, ông đề nghị giữ như dự kiến chương trình.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp bằng hoạt động “lắng nghe hiến kế của Nhân dân” thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình; việc phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của Nhân dân và cử tri đến với Quốc hội. Trong khi đó, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội...
Cơ bản nhất trí với các đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nên tách riêng nội dung thảo luận về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bởi đây là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm. Nếu thảo luận chung về nội dung này cùng với nội dung về kinh tế-xã hội, ông Vũ Hồng Thanh e ngại các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung vào nội dung về phòng, chống dịch, gây ảnh hưởng đến việc tham gia đóng góp ý kiến về kinh tế-xã hội.
Hoàn thiện phần mềm, bảo mật về biểu quyết trực tuyến
Về thời gian tiến hành kỳ họp, để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo). Đồng thời, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về rút ngắn thời gian thảo luận ở Tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa; điều chỉnh thời điểm xem xét một số nội dung.
Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20.10 đến 1.11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 8 - 13.11 (giảm 2 ngày so với dự kiến gửi đại biểu Quốc hội).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã dự kiến chương trình kỳ họp dự phòng trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch
Việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình Kỳ họp (tại phiên trù bị) sẽ áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad. Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín. Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad và sẽ tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm 3 lần trước khi khai mạc kỳ họp. Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được 1 lần và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu để áp dụng tại kỳ họp này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội sẽ họp theo 2 đợt là trực tuyến và trực tiếp nhưng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể báo cáo Quốc hội cho họp trực tuyến hoàn toàn. Đối với phương án biểu quyết trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện phương án bảo mật và bảo đảm vận hành thông suốt. Trong trường hợp dự phòng, Quốc hội sẽ biểu quyết theo hình thức lấy phiếu và không sử dụng hình thức giơ tay.
Về nội dung, dự kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội sẽ xem xét thông qua hai dự án Luật và 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; tỉnh Nghệ An; Thanh Hóa; Thừa Thiên Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến 5 dự án Luật gồm: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Tin và ảnh: Hồ Long