Quảng Nam khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX

(Mặt trận) - Sáng 5/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ 6 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang. Theo chương trình, kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 5-7/12.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Đây là kỳ họp cuối năm nên HĐND tỉnh sẽ thảo luận các báo cáo của UBND tỉnh, trong đó trọng tâm là đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Đồng thời xem xét quyết định các vấn đề theo luật định trên các lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, quản lý đất đai, chương trình hoạt động của HĐND tỉnh năm 2018; giám sát về tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ quan do HĐND tỉnh bầu.

Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX khai mạc sáng ngày 5/12.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình khai thác, phát triển quỹ đất, báo cáo giám sát chuyên đề của các ban HĐND tỉnh và xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng khác theo chương trình kỳ họp vừa được HĐND tỉnh thông qua.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đánh giá chặng đường 20 năm phát triển, tỉnh Quảng Nam sau ngày tái lập đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào và đã trở thành tỉnh có đóng góp vào ngân sách Trung ương.

Năm 2017 cũng là năm có nhiều sự kiện lớn như Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính cùng các Hội nghị Quan chức Cấp cao APEC tại Hội An, cao điểm là phối hợp cùng với Đà Nẵng trong Tuần lễ Cấp cao APEC. Tất cả các sự kiện nói trên đều diễn ra thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Nam phải đối mặt với những bất lợi về thời tiết, đặc biệt là đợt mưa lũ vừa qua; sự ảnh hưởng của chính sách vĩ mô đối với ngành sản xuất công nghiệp ô tô trong tỉnh cũng gây khó khăn, tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh.

Theo báo cáo, trong năm 2017, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất các ngành đều tăng, nhất là nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch. Kết quả thu - chi ngân sách thực hiện đảm bảo theo dự toán; có 9/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch HĐND tỉnh giao. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư hoàn chỉnh với việc đưa vào sử dụng nhiều công trình có tác động lan tỏa, kết nối, đồng thời khởi công nhiều dự án lớn về kinh tế - xã hội khác.

Điều kiện sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng lên nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống dịch vụ xã hội. Các chính sách an sinh, chăm lo đời sống người có công được thực hiện tốt. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, các ngành, các cấp đã dành sự quan tâm đặc biệt, tri ân các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội tiếp tục có bước chuyển biến mới. Công tác cải cách hành chính được tổ chức thực hiện khá quyết liệt. Việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh ngay từ đầu năm đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tốt cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại có bước phát triển tốt.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số chỉ tiêu đề ra không đạt, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP). Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng và đổi mới công nghệ còn hạn chế. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa đủ hấp dẫn và khuyến khích doanh nghiệp, trong đó phải kể đến chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thiếu bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi giảm chậm. Đời sống người dân miền núi cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn và chịu tác động tiêu cực bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Quản lý nhà nước về tài nguyên chưa chặt chẽ, để xảy ra một số việc bức xúc trong nhân dân.