Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 10 nhiệm vụ cụ thể cho ngành giáo dục trong năm học 2022-2023

(Mặt trận) - Đây là trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về hướng điều chỉnh học phí THCS tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 vào sáng ngày 12/8, tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành giáo dục cũng đã nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, thuộc trách nhiệm của ngành - Ảnh: VGP/Đình Nam 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và theo xu thế phát triển thì học phí phải tăng lên. Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng, đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể để đẩy nhanh lộ trình giảm, miễn phần học phí do gia đình học sinh đóng góp. 

Ngân sách địa phương, hoặc ngân sách Trung ương (đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách) sẽ cấp bù phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm nhằm bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông.

Năm học vượt khó

Đánh giá trong năm học 2021-2022 tiếp tục là "năm học vượt khó", ­­­Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh đã nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giáo dục Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng quốc tế; thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; xử lý vấn đề về biên chế.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục (trường lớp, giáo viên), cùng với đó là sự quan tâm, yêu cầu rất cao của người dân, xã hội.

"Giáo dục phải gắn với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam vẫn đang là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nhưng mong muốn, nguyện vọng của người dân, xã hội đối với ngành giáo dục là phải như các nước phát triển nhất. Sự quan tâm đó là may mắn đối với ngành giáo dục nhưng cũng là áp lực không nhỏ. Vì vậy, ngành giáo dục cần chú ý hơn nữa đến hoạt động truyền thông, lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, cộng đồng về các chính sách giáo dục", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đã nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, thuộc trách nhiệm của ngành. Đơn cử như nguyên nhân của những bức xúc trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy thêm - học thêm, sách tham khảo,… là do có lúc, có nơi, có một số giáo viên còn thiếu trung thực, khách quan.

Tiếp tục đổi mới quản trị trường phổ thông

Ảnh: VGP/Đình Nam 

Trong năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng nêu 10 đầu việc cụ thể đối với ngành giáo dục.

Thứ nhất là tiếp tục bám sát Nghị quyết 29-NQ/ TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu, phối hợp với các ban Đảng, ủy ban của Quốc hội theo từng chuyên đề.

Thứ hai, ngành giáo dục phải thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.

Thứ ba là phải thực sự quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT phải đúng là bộ quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn, bền vững hơn.

"Ngoài giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn còn có yêu cầu phải nâng chất lượng, vị trí xếp hạng trên thế giới", Phó Thủ tướng nói.

Từ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới quản trị trường phổ thông sau những thành công ban đầu trong thực hiện tự chủ đại học. Các trường phổ thông phải thực sự là môi trường văn hóa và dân chủ, huy động sự tham gia của cộng đồng. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Thứ tư là Bộ GD&ĐT phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn để có đủ giáo viên, trường, lớp để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Thứ năm, Bộ GD&ĐT đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, nắm thật sát nguồn lực giáo dục trên cả nước về giáo viên, cơ sở vật chất gắn với thông tin dân số từng địa bàn, từng xã, từ đó chủ động bảo đảm "đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh".

Thứ sáu, Bộ GD&ĐT chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có phương án tổ chức học cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng các cháu "ở nội trú, bán trú nhưng học hòa đồng", nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. "Việc này phải làm kiên trì 15-20 năm và rất cần sự quan tâm thực sự sâu sát của chính quyền địa phương", Phó Thủ tướng đề nghị.

Thứ bảy, Bộ GD&ĐT cần rà soát rất nghiêm túc tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục thực chất, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa bàn.

Thứ tám, Bộ GD&ĐT phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về việc huy động các nguồn đóng góp của cộng đồng cho trường học công khai, minh bạch.

Thứ chín, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,… không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo… "Tình trạng này đã được chấn chỉnh. Nhiều nơi làm rất tốt nhưng cá biệt vẫn còn. Chúng ta phải kiên quyết rà soát, xử lý nghiêm", Phó Thủ tướng lưu ý.

Thứ mười, Bộ GD&ĐT phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, thúc đẩy học liệu điện tử, học trực tuyến như hoạt động bổ trợ lâu dài; đẩy mạnh giáo dục STEM; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới căn bản từ yêu cầu, hướng dẫn đến sản xuất, phân phối thiết bị, đồ dùng dạy học.

Sớm thực hiện mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đối với việc bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến cho từng lớp học, cấp học; cùng với các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết để thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng.

"Bộ GD&ĐT phải sát, chỉ đạo bằng văn bản đối với việc tuyển sinh vào các trường nghệ thuật. Vướng ở đâu, văn bản nào thì chúng ta sẽ tháo gỡ nhưng Bộ phải chỉ đạo các địa phương cho phép các trường nghệ thuật thực hiện tuyển sinh bình thường để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng mong muốn và chúc ngành giáo dục, toàn thể giáo viên tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.