Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Tổ chức thật tốt việc thí điểm khôi phục đường bay từ 10-20/10

(Mặt trận) - Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước - Ảnh VGP/Đức Tuân 

Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Quốc phòng, Công an; 63 tỉnh, thành phố và các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air, Pacific Airlines.

Đề xuất khôi phục 23 đường bay

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trình bày dự thảo quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, kế hoạch khai thác các chuyến bay được thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021 với 23 chuyến khứ hồi/ngày (46 chuyến/ngày). Bao gồm 10 chuyến khứ hồi từ TPHCM đi các địa phương, 6 chuyến khứ hồi từ Hà Nội, 4 chuyến khứ hồi từ Đà Nẵng và 3 chuyến khứ hồi từ Thanh Hóa.

Trong thời gian thí điểm, sẽ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế như lực lượng công vụ, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và người dân. Điều kiện là phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/ PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); đồng thời, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay...

Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K.

Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

Khôi phục đường bay là rất cần thiết

Góp ý về dự thảo quy định, đa số ý kiến các địa phương thể hiện nhất trí, đồng thời kiến nghị một số nội dung như bổ sung thêm chuyến bay, mở thêm đường bay, thời gian thí điểm, vấn đề cách ly…

Đại diện tỉnh Kiên Giang bày tỏ mong muốn bổ sung tỉnh tham gia vào kế hoạch tổ chức đường bay thí điểm với các chuyến bay từ TPHCM đến Phú Quốc, TPHCM - Rạch Giá, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Rạch Giá. Hiện tỉnh đang lên kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc nên việc mở đường bay có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch này. Cùng quan điểm, đại diện tỉnh Gia Lai cũng đăng ký có một chuyến khứ hồi mỗi ngày Hà Nội - Pleiku.

Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế bà con đi từ phía Nam về Thanh Hóa bằng đường bộ rất lớn và đã có phát sinh ca lây nhiễm. Tỉnh cũng đang tính phương án đón người dân về quê bằng cả đường sắt. Theo dự thảo thì Thanh Hóa có 4 đường bay với tần suất 1 chuyến/ngày, tuy nhiên tỉnh đề xuất chỉ bay tuyến Thanh Hóa - TPHCM với tần suất 2 chuyến/1 tuần.

Đại diện tỉnh Quảng Bình đồng tình với phương án thí điểm bay nhưng nêu vấn đề thiếu nhân lực ngành hàng không để đảm bảo các biện pháp đảm bảo an toàn bay. Do đó, đại diện tỉnh Quảng Bình đề nghị giao cảng vụ hàng không phối hợp, chỉ đạo cảng hàng không, các hãng hàng không để hỗ trợ.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc thí điểm bay phải kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là khâu xét nghiệm trước khi lên máy bay; nên phải cụ thể về đối tượng trong thời gian thí điểm, hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có xét nghiệm PCR; đồng thời cũng phải phân loại đối tượng khách từ vùng xanh, vùng nguy cơ cao, vùng nguy cơ thấp.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề nghị cho phép thành phố cách ly 7 ngày đối với hành khách tại khu cách ly của thành phố hoặc tại các khách sạn do thành phố chỉ định. Thành phố sẽ thông báo cụ thể các khách sạn được đón người cách ly.

Đại diện UBND TP. Hải Phòng đề nghị cần làm rõ việc phối hợp giữa các địa phương trong quản lý hành khách tại nơi đến.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng khẳng định, Bộ GTVT sẽ phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương để có trao đổi thông tin kịp thời về danh sách, các thông số liên quan đến hành khách đi như: tên tuổi, số điện thoại, nơi đi, nơi đến và địa chỉ nơi cư trú… để thường xuyên theo dõi và có điều chỉnh cho kịp thời. “Chúng tôi cũng rất mong các địa phương chia sẻ khó khăn của ngành hàng không và quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ trong chương trình này”, ông Thắng nói. Việc cho thí điểm bay nội địa rất quan trọng trong việc khôi phục kinh tế - xã hội, rất bức thiết với sản xuất kinh doanh, nhu cầu người dân và với ngành hàng không.

Cơ bản đồng tình với dự thảo quy định của Bộ GTVT về các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong thời gian thí điểm, tần suất trên mỗi chuyến bay không quá 50%, sau đó mới nâng dần lên. Hành khách từ nơi lưu trú đi qua môt số địa phương để đến sân bay và ngược lại thì đi như thế nào, ông Tuyên cho rằng, các địa phương nên tạo điều kiện bởi để lên máy bay, hành khách đã phải tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm âm tính trong 72 tiếng, “chứ qua mỗi địa phương lại gặp một trạm kiểm soát thì rất khó khăn”.

Các địa phương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan thống nhất với phương án tổ chức khôi phục các tuyến bay do Bộ Giao thông vận tải đã trình bày tại Hội nghị - Ảnh VGP/Đức Tuân 

Thành công phụ thuộc sự phối hợp giữa ngành GTVT và các địa phương

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, “việc khôi phục các chuyến bay rất là cần thiết trong tình hình hiện nay” để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, dần đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên việc phục hồi các tuyến bay cho hành khách và nhân dân đi lại cũng tiềm ẩn phát sinh nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh, có nguy cơn bùng phát thành các ổ dịch mới, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, sức khỏe của nhân dân.

Vì vậy, việc triển khai phải bảo đảm hết sức thận trọng, cần tập trung cao việc lãnh đạo, chỉ đạo. Muốn vậy, phải tiến hành từng bước và mở rộng dần, trước hết là tổ chức thí điểm từ ngày 10 – 20/10. “Quan điểm là phải rất thận trọng để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ trung ương đến địa phương, “nếu không tổ chức phối hợp tốt thì rất dễ gây bùng phát dịch, mặc dù tổ chức ít chuyến bay”.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án, sớm ban hành để làm cơ sở thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 tới ngày 20/10/2021; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.

Trong thời gian thí điểm, yêu cầu Bộ GTVT phải tuân thủ tuyệt đối quy trình, tiêu chuẩn khai thác hàng không, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay do đã tạm dừng khai thác hàng không trong thời gian dài; thực hiện điều tiết các tuyến bay, giờ bay an toàn, thuận tiện, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương trong việc bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch.

Nhấn mạnh việc tổ chức tốt việc thực hiện thí điểm khôi phục đường bay, Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhưng cũng cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ hàng không, đảm bảo quyền lợi cho hành khách.

Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các địa phương thống nhất triển khai, trong đó, phải chủ động, có đầu mối để tiếp nhận thông tin các chuyến bay, lượng hành khách về địa phương mình trong ngày, từ đó, triển khai đến cấp cơ sở để thực hiện quản lý theo quy định.

Việc thí điểm chỉ tiến hành trong 10 ngày phải tổ chức thật bài bản, phải làm thật tốt, không để bùng phát dịch. Thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT, các bộ ngành trung ương và các địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ.