Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII

(Mặt trận) - Sáng 19/8, tại trụ sở Ban Tổ chức Trung ương đã diễn ra Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên” trình Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Toàn cảnh Phiên họp.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Phiên họp.

Tại Phiên họp, đồng chí Hoàng Đăng Quang đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án gồm 20 đồng chí. Theo đó, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng 18 thành viên.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp đã tiến hành cho ý kiến về Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; Phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo; Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Báo cáo Đề cương sơ bộ Đề án và Danh mục các báo cáo chuyên đề.

Theo đó, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về tên gọi, kết cấu, bố cục Đề cương sơ bộ của Đề án, tập trung vào các nội dung như: Tính cấp thiết của Đề án, căn cứ xây dựng Đề án, đối tượng, phạm vi; Thực trạng về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; Đánh giá tác động của Đề án; Tổ chức thực hiện và đề xuất kiến nghị.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp ý kiến xây dựng Đề án tại Phiên họp. 

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và những ý kiến đóng góp sâu sắc, xác đáng của các thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng chí cũng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) dự kiến vào tháng 5-2022 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên”. Thời gian từ nay tới thời điểm trình Đề án còn không nhiều nhưng khối lượng công việc cần phải làm rất lớn.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng cho biết, theo thống kê hiện nay, toàn Đảng có khoảng 52.000 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5,2 triệu đảng viên và nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng: xã, phường, thị trấn; cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp; các loại hình doanh nghiệp; các đơn vị quân đội, công an; các đơn vị ở ngoài nước. Từ sau Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của BCH Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, đã có 119 văn bản nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề liên quan đến tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Và đến nay, chúng ta tiếp tục xây dựng một Nghị quyết mới mang tính đột phá về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong tình hình mới.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận tại Phiên họp. 

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, sau Phiên họp ngày hôm nay, với ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập sẽ tiếp thu và hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó cần bổ sung thêm các công việc như chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương làm báo cáo chuyên đề gửi về Ban Chỉ đạo; định hướng nội dung yêu cầu trong xây dựng báo cáo; việc tổ chức các hội nghị làm sâu sắc thêm các chuyên đề…

“Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải là đầu mối, nhân tố nòng cốt tham mưu các chuyên đề, để cho ra đời báo cáo có sức sống và giá trị”, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đặc biệt yêu cầu các báo cáo chuyên đề phải được hoàn thành trước tháng 1-2022. Yêu cầu báo cáo chuyên đề của các đơn vị phải đề cập đến những vấn đề mới, phức tạp, những vướng mắc, khó khăn cần phải giải quyết, đồng thời đề xuất, kiến nghị, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình mới phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình mới. “Quyết tâm Đề án phải đề cập được những vấn đề xác hợp với thực tiễn để giải quyết thực tiễn của chính tổ chức đảng và đảng viên, từ đó nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của tổ chức đảng”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.