Phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm: Quyết chí ắt làm nên

(Mặt trận) - Phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể chế, đổi mới đường lối, chính sách; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và trọng dụng nhân tài - những yếu tố quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV, sáng 10/11. 

Quốc hội dành buổi chiều ngày 10/11 để đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Đại hội lần này hy vọng thổi luồng gió mới, có một niềm tin mới phát triển thịnh vượng, giàu có, để tất cả nhân dân được hưởng thụ. Đó chính là định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng để phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tuy nhiên, mục tiêu nói trên không đơn giản nếu ta không có ý chí, quyết tâm.

Như Thủ tướng nhiều lần phát biểu trước Quốc hội, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động.

Trước đó, trong phát biểu giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 10/11, Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm của chính chúng ta. Đó là một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nơi mà mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh tinh thần “thịnh vượng và phát triển, quyết chí ắt làm nên”, Thủ tướng nêu rõ, trong xu thế hiện nay, chúng ta cần tiếp tục kiên trì một số biện pháp và chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Cụ thể, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục; loại trừ các xung đột, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu về những bất cập, chồng chéo, chậm được sửa đổi trong các cơ chế, chính sách pháp luật, Thủ tướng cho rằng đây thực sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên đột phá chiến lược trong thời gian tới.

Cùng với đó, ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống về cả ba phương diện số lượng, chất lượng, và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

Lành mạnh hóa hơn nữa hệ thống tài chính- ngân hàng, áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng yếu kém để giảm rủi ro, giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Về giáo dục, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ ý thức được nhu cầu cấp thiết cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện giảng dạy, từ sách giáo khoa cho đến phương pháp sư phạm, từ cơ chế tự chủ cho đến cơ chế tiền lương, song trung tâm vẫn phải là người học và người thầy, tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”, "tôn sư trọng đạo" phải luôn được đề cao, tinh thần tự học, sáng tạo, học đi đôi với hành phải được khuyến khích, tư duy của nhà quản lý giáo dục cũng cần phải đi trước.

Cùng với đó, người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng. "Thu hút nguồn lực, quan trọng nhất là nguồn lực con người”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò của khoa học công công nghệ, Thủ tướng cho rằng, ta không còn những vùng rừng núi chưa khai thác; nhưng còn rất nhiều tiềm lực quan trọng về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ. Trong số các yếu tố khoa học – công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số. Cùng với giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được bao phủ và nâng cấp hơn nữa, trước mắt là mạng 5G. Người dân sẽ ngày càng tiếp  cận với internet tốc độ cao, kể cả ở những vùng nông thôn, nhanh chóng thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số quốc gia đưa một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam đi tắt, đón đầu và vượt lên so với các nước trong khu vực.

Theo Thủ tướng, những công nghệ về 5G, thương mại số, chính phủ số...,  nước ta phải làm nhanh, bởi nhiều nước đã phát triển xa. "Cho nên tôi kỳ vọng là những cách làm của chúng ta phải đổi mới hơn nữa, chứ không phải là làm việc kiểu cũ, thông tin, quyết sách lạc hậu, không kịp thời", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, bằng cả trái tim và khối óc, để giải quyết các vấn đề xã hội, để trẻ em không còn phải đu dây qua những dòng sông dữ hay phải chèo xuồng đến trường, không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao vượt khả năng chi trả, tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại...

Nhắc lại những bài học lịch sử cho thấy, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực. Chúng ta không còn những vùng đất hoang để khai phá như tổ tiên, nhưng vẫn còn những bầu trời lớn, những vùng biển sâu, những lĩnh vực mới đang chờ được khám phá, những câu chuyện thành công. Đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới.