Phát triển thị trường trong nước để tăng sức mua của người dân

(Mặt trận) - Ngày 20/10, tại Vĩnh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng Việt, và có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh Vĩnh Long.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tham dự buổi làm việc có ông Trương Văn Sáu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở Trung ương và địa phương.

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Vĩnh Long, 9 tháng đầu năm 2017, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, phối hợp của chính quyền các cấp; công tác tuyên truyền vận động thường xuyên, liên tục và sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp trong tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành liên quan, sự đồng tình hưởng ứng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt đang trở thành một nếp sống văn hóa trong đời sống của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện Cuộc vận động, nhất là trong xúc tiến thương mại.

Hiện toàn tỉnh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các xã, phường, thị trấn của 7/8 huyện, thị xã, thành phố (TP.Vĩnh Long, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, TX.Bình Minh, Bình Tân) cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động và đi vào hoạt động với quy chế, kế hoạch cụ thể, tăng 4 huyện so với năm 2016.

Cùng với đó là sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, Sở Công thương, Sở Kế hoạch & Đầu tư… thông qua việc tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hàng Việt, tổ chức hội chợ triển lãm, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... đã làm phong phú và sôi động thị trường trong tỉnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phân phối, kinh doanh hàng hóa, nhất là hàng Việt, cụ thể như việc tổ chức cho Siêu thị Vinmart Vĩnh Long thực hiện kế hoạch “Đưa hàng Việt về nông thôn - phục vụ bà con vùng sâu vùng xa” năm 2017 với 06 phiên chợ về các huyện Mang Thít, Trà Ôn (02 phiên chợ); hỗ trợ 06 lượt doanh nghiệp tham gia 05 cuộc hội chợ tại các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Vũng Tàu; tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Long, với sự tham gia của 22 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX và trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cùng kết nối cung cầu với các nhà phân phối lớn tại TP.HCM; đến nay 95% hàng hóa tiêu thụ trong siêu thị Coop Mart Vĩnh Long là hàng Việt…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đi thăm một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Vĩnh Long, những tháng cuối năm 2017, sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hóa, phân phối, dịch vụ… xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm hàng hóa chủ yếu của tỉnh để đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn; khuyến khích và định hướng tiêu dùng hàng Việt trong cán bộ và nhân dân; chủ động nắm tình hình và kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành để tuyên truyền rộng rãi sử dụng hàng Việt trong toàn tỉnh…

Đề cập đến thành công của việc tuyên truyền, vận động người dân trong sử dụng hàng Việt, bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cho biết, Hội đã vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tiêu dùng và gia đình; tham gia các chương trình bình ổn giá; tuyên truyền đến phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức, có thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt, coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước. Đồng thời, các cấp Hội cũng làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” với 7.086 lượt chị em tham gia.

Đánh giá về việc các doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương băn khoăn, hiện các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn trên toàn tỉnh vẫn chưa thực sự thâm nhập vào thị trường trong nước mà chỉ quan tâm tới xuất khẩu, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì ngại thâm nhập vào siêu thị, chưa tạo kênh phân phối, chỉ quan tâm tới thị trường nhỏ lẻ. Từ đó bà Nga cho rằng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cần triển khai chuỗi hoạt động phân phối hàng hóa để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có phương hướng đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn và tạo được kênh phân phối trên toàn tỉnh, đồng thời khuyến khích những sản phẩm xuất khẩu có chất lượng đến được tay người tiêu dùng tại địa phương.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Còn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, doanh nghiệp sản xuất trên toàn tỉnh hiện thường tự tạo kênh phân phối cho sản phẩm của mình, nếu doanh  nghiệp nào gặp khó khăn trong xin cấp giấy phép hoạt động, Sở sẽ hỗ trợ. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo để hình thành các cửa hàng theo chuỗi sản phẩm và điểm bán hàng sạch để quảng bá sản phẩm địa phương tới tận tay người tiêu dùng trên toàn tỉnh.

Trăn trở về việc đưa hàng Việt vào siêu thị, ông Trương Văn Sáu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời gian tới, phải tổ chức đối thoại giữa siêu thị và người sản xuất để tháo gỡ vướng mắc. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải có nhãn hiệu và thương hiệu rõ ràng, tạo niềm tin cho người dân khi dùng sản phẩm.

Biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Vĩnh Long trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền thông qua Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, chỉ có sự chuyển động về nhận thức từ mỗi cán bộ, công chức đến nhân dân trên toàn tỉnh, từ đó hàng Việt mới được sử dụng rộng rãi và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Vĩnh Long là tỉnh có quy mô sản xuất, kênh phân phối và kênh tuyên truyền được phát huy hiệu quả, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm các doanh nghiệp của địa phương đến với người tiêu dùng đã được tiến hành thường xuyên, bài bản.

“Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tiếp thị ra thị trường trong nước thông qua kết nối các hội chợ, siêu thị để dần dần hàng Việt Nam được quảng bá và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Phải làm sao mặt hàng ở địa phương nào thì địa phương ấy tiên phong trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mặt trận phải luôn sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc và những kết quả trong chuyển biến về nhận thức của nhân dân Vĩnh Long trong sử dụng hàng Việt, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục tuyên truyền Thông báo 264-TB/TW của Bộ Chính trị, kết luận 107 - KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản của Chính phủ xung quanh việc thực hiện Cuộc vận động, nhất là đối với phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động.

Đồng thời cần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cần tích cực phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và duy trì được chất lượng hàng Việt tại các phiên chợ, từ đó tạo chuyển biến, niềm tin của nhân dân trong việc sử dụng hàng tiêu dùng do chính địa phương mình sản xuất.

“Cần có sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo cùng các sở, ngành đề ngăn chặn việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng. Muốn thị trường trong nước sôi động phải dựa vào sức mua của nhân dân, phải phát triển thị trường trong nước thì sức mua của người dân mới phát triển.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm quan siêu thị Coop Mart Vĩnh Long.

Sáng cùng ngày, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã đi thăm doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Sơn Hải, doanh nghiệp Phước Thành IV sản xuất gạo xuất khẩu và siêu thị Coop Mart Vĩnh Long.