Phát triển kinh tế nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Sáng nay 11/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì phiên họp BCĐ Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ thực hiện đến hết năm 2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Đến tháng 6 này, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 371 xã so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Đến nay vẫn còn 45 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố còn “trắng” xã đạt chuẩn NTM. 18 tỉnh, thành phố chưa có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. 9 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp (dưới 30%).

Xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Đời sống kinh tế nông thôn, nông dân phát triển. Cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ mà còn thúc đẩy các địa phương khác, vùng, ngành khác. Đời sống văn hóa, tinh thần, trật tự an toàn xã hội, an toàn môi trường được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh, đây là nhân tố quyết định để thực hiện thành công việc xây dựng NTM.

"Xây dựng NTM đã thực sự là luồng gió mới, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Dù có nhiều kết quả tích cực, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc xây dựng NTM trong thời gian qua. Phong trào xây dựng NTM được triển khai rộng khắp, nhưng kết quả xây dựng, phát triển của một số vùng, địa phương còn kém so với mặt bằng chung.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng NTM phải đặt trong mối liên kết, gắn chặt với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những vấn đề này không thể tách rời.

Phát triển đô thị có vai trò hỗ trợ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn, giảm nông dân thì sẽ tăng diện tích đất canh tác trên đầu người. Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất, cuộc sống. Đồng thời, phát triển công nghiệp sẽ giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc kết nối trong phát triển này chưa có hệ thống, chưa có chính sách cụ thể, nhiều nơi chỉ mang tính tự phát.

Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn còn cao. Đầu tư xã hội cho nông nghiệp hiệu quả không cao bằng các ngành khác, nên vốn đầu tư vào nông nghiệp còn nhỏ. Liên kết người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Quá trình xây dựng NTM chưa gắn kết với cơ cấu lại với nền kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

"Không để phát triển NTM là hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Trong đó phát huy vai trò động lực của hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động, sản xuất và thị trường tiêu thụ", Phó Thủ tướng phát biểu.

Không hình thức, không ‘nợ’ tiêu chí

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra thực trạng một số địa phương khi xây dựng NTM còn phải nợ tiêu chí, do đó cần kịp thời phát hiện các biểu hiện chạy theo thành tích, làm méo mó quá trình xây dựng NTM.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là năm then chốt thực hiện Chương trình, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu.

Về triển khai chương trình công tác năm 2020 của BCĐ Trung ương, yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí thành viên BCĐ tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương theo địa bàn được phân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu còn lại của Chương trình trong năm 2020. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được để không làm ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện của cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến thành viên BCĐ, triển khai chương trình công tác năm 2020 của BCĐ Trung ương; rà soát, sắp xếp lại, triển khai các nhiệm vụ trong chương trình đạt chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại giai đoạn 2020-2025; tiếp thu ý kiến các thành viên BCĐ và cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định kiện toàn BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cần có tiêu chí ‘cứng’, tiêu chí ‘mềm’

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài. "Trong đó, cần lượng hóa các tiêu chí, xây dựng các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương, từng vùng, từng khu vực về địa hình, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế. Bộ tiêu chí cần có các tiêu chí ‘cứng’, tiêu chí ‘mềm’ để dễ triển khai thực hiện”.

Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí, đảm bảo tính khả thi; sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để có nguồn lực thực hiện bộ tiêu chí.

Đồng thời phải xây dựng báo cáo khả thi để có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Chương trình.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.