Phát huy vai trò phối hợp trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Hậu Giang

(Mặt trận) - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động đã kế thừa và phát huy thành quả của 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Cuộc vận động nhằm mục tiêu đoàn kết toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm hoạt động “nắm chắc chủ trương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, bám sát cơ sở”; trong tuyên truyền phải xác định nội dung phù hợp; trong tham gia xây dựng nông thôn mới phải có kế hoạch và việc làm cụ thể, bám sát tiêu chí thực hiện từng năm; trong quy chế hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ấp phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, đúng người, đúng việc, đúng chức năng, nhiệm vụ.

Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Chỉ thị số 30 ngày 15/5/2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động; chủ động xây dựng và ký Chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với giảm nghèo bền vững”; lồng ghép các kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức thực hiện; ký và ban hành kế hoạch hiệp thương với các đoàn thể chính trị - xã hội về thực hiện cuộc vận động. Đến ngày 18/11/2017, hơn 50% khu dân cư trong tỉnh đã ký hiệp thương, phân công nhiệm vụ giữa các thành viên về việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ.

Nhận thức được vai trò nòng cốt của Mặt trận thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác phối hợp với các thành viên trong Mặt trận để tổ chức và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” như: tuyên truyền chủ trường, đường lối của Đảng về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, về công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, về giảm nghèo bền vững,… từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trong triển khai các cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã gắn cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước, phù hợp với sự phát triển ở mỗi địa phương và tăng cường sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Hậu Giang xây dựng 21 mô hình mới, nhân rộng 26 mô hình. Trong đó, nhiều mô hình, như: mô hình “Khu dân cư không hộ nghèo” đã triển khai thực hiện hiệu quả tại 30 khu dân cư, có 1 phường (phường I, thành phố Vị Thanh) không còn hộ nghèo; mô hình “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”; các mô hình kinh tế hộ và tổ liên kết sản xuất,… Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả các nội dung của cuộc vận động, như: Năm 2017, trong 76 mô hình, cách làm hay trên toàn tỉnh, có hơn 50% là những mô hình đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững; chú trọng hậu giám sát, như: Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát những nội dung mà người dân chưa hài lòng cao về kết quả xây dựng nông thôn mới; giám sát lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; phản biện đề án cấp nước nhỏ lẻ vùng nông thôn…

Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp tốt trong hiệp thương về công tác giảm nghèo, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở các cấp, mở các lớp tập huấn hướng dẫn cho cán bộ Mặt trận cơ sở và trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu dân cư về nội dung “Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”,… Ngoài ra, tăng cường củng cố Ban chỉ đạo từng cấp và Ban vận động ấp, khu vực, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ đến các tầng lớp nhân dân về cuộc vận động, tập trung nâng cao hiệu quả xây dựng xã văn hóa, phường, thị trấn văn minh. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 22/54 xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, 12/22 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Ngã Bảy). Cuộc vận động đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo, phát huy được đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhiều mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả, như: mô hình dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, kinh doanh và sản xuất mãng cầu xiêm, nông sản sạch,… Ban điều phối xây dựng nông thôn mới hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới thì có 65% hộ dân của 10 xã đã được hỏi ý kiến. Kết quả, câu 17 về mức độ hài lòng với chất lượng chung của xã nông thôn mới đạt tỷ lệ trên 99%; từ câu 1 đến câu 16 đạt từ 92-99%. Có 3 nội dung người dân không hài lòng còn cao là chất lượng giảm nghèo đa chiều (6,47% không hài lòng), môi trường sống (khoảng 7% chưa hài lòng), bảo hiểm y tế (gần 8% chưa hài lòng).

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các tổ chức thành viên và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh phúc lợi xã hội, triển khai xây dựng 546 căn nhà tình thương, sửa chữa 11 căn nhà (năm 2017), vận động hỗ trợ quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp xuân về. Ngoài ra, vận động toàn dân đoàn kết phát triển kinh tế như giúp nhau về giống, vốn, kỹ thuật canh tác,… từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh còn 9,89% hộ nghèo (giảm 2,59% hộ thoát nghèo so với đầu năm 2017). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với ngành Văn hóa tỉnh phát động và tổng kết cuộc thi “Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Gia đình có cảnh quan xanh, sạch, đẹp”,… Kết quả, toàn tỉnh có 92,65% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa (trong đó có 6,97% hộ đạt gia đình văn hóa tiêu biểu), 93,88% khu dân cư văn hóa 376 tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư, 336 mô hình xử lý chất thải tại cộng đồng; 95,4% số hộ gia đình sử dụng nước sạch. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội, nhiều mô hình được nhân rộng, như: “khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”, “cổng rào an ninh”, “đội công tác xã hội tình nguyện”,… Hiện nay, toàn tỉnh có 222 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, 174 mô hình bảo đảm an toàn giao thông, 76 mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, 233 khu dân cư có hòm thư tố giác tội phạm.

Qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở tỉnh Hậu Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng lực lượng chính trị cơ sở vững mạnh. Vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, hiện nay công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các thành viên và các ngành liên quan tại một số địa phương về một số nội dung trong cuộc vận động chưa được cụ thể hóa; sự phân công trách nhiệm giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác vận động, xây dựng, mô hình gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đôi chỗ còn lỏng lẻo, chồng chéo. Công tác tuyên truyền còn thiếu chiều sâu, hạn chế trong tuyên truyền mô hình mới, cách làm hay. Còn một số chương trình phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên còn thiếu nhịp nhàng, đôi lúc chồng chéo. Một bộ phận cán bộ Mặt trận các cấp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ở một vài địa phương, cấp ủy, chính quyền thiếu sâu sát trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc tỉnh cần phải phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của mình trong công tác phối hợp với các thành viên trong Mặt trận để làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, Website của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động cả bề rộng và chiều sâu. Cụ thể hóa Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy. Chương trình phối hợp số 04 giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh. Kế hoạch hiệp thương với các tổ chức thành viên về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với giảm nghèo bền vững” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đảm bảo đúng chủ trương và phù hợp tình hình ở địa phương.

Thứ hai, chọn điểm chỉ đạo đột phá thực hiện nội dung đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững với mục tiêu 100% khu dân cư có kế hoạch liên tịch giữa Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân, các tôn giáo trên địa bàn về việc phân công trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ nghèo có địa chỉ. Tiếp tục phát huy các mô hình đạt hiệu quả cao gắn với các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiến hành lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới và tổ chức giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện nhằm tăng cường sự đồng thuận trong dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh đến các cơ quan đảng, chính quyền có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; quan tâm tình hình tư tưởng của cán bộ cơ sở, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu vực để động viên, phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn giúp họ an tâm công tác; quan tâm công tác tuyên truyền với nội dung thiết thực, hình thức phong phú; phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành, các cấp có liên quan để triển khai sâu rộng các phong trào, cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh tới đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo” và chương trình “An sinh phúc lợi xã hội”; tăng cường thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội để góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và gắn với quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Dương Thị Hoàng Phúc

Thạc sĩ, Phó Trưởng khoa Dân vận, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang