Phát huy vai trò của các luật sư trong thực hiện trợ giúp pháp lý

(Mặt trận) - Sáng 14/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại trụ sở tiếp dân Trung ương. Tham dự Hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương; ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng 171 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý đến từ 7 đoàn luật sư trên cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Thực hiện Chương trình phối hợp số 01 ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; theo đề nghị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai công tác luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam với đội ngũ luật sư đông về số lượng, chắc về luật pháp, giàu kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực, với nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, trong 3 năm qua Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện cử 727 lượt luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho 3.837 lượt công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, ở cả 2 địa điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, với vai trò thực thi nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình phối hợp số 01 cũng góp phần hoàn thiện mục tiêu an dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, khi luật sư tham gia tại trụ sở tiếp dân Trung ương là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - pháp lý với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện công tác này, luật sư vừa thực hiện tư vấn pháp luật, giải thích, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công dân nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đồng thời cũng giúp công dân thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định, bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý tại các trụ sở tiếp dân Trung ương, đội ngũ luật sư đã thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế và các quy định tại trụ sở tiếp dân Trung ương cũng như những quy định của pháp luật đối với luật sư và hành nghề luật sư.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong năm 2017, có 1.500 lượt công dân đến tư vấn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, chính sách đãi ngộ với người có công và nhiều lĩnh vực khác nhau (có tới khoảng hơn 70% vụ việc liên quan tới các quan hệ pháp luật đất đai).

“Đa số người dân sau khi được trợ giúp pháp lý đều cám ơn sự giúp đỡ của luật sư, một số người dân đã hiểu quyền, nghĩa vụ của họ và không tiếp tục khiếu kiện.”, ông Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Cùng với đó, luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý đã phát hiện có trường hợp giải quyết của các cơ quan nhà nước chưa phù hợp với pháp luật, luật sư đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân để họ có thể thực hiện các quyền theo quy định pháp luật, tránh việc kích động người dân, không để cho cơ quan nhà nước và người dân hiểu nhầm đã thông qua trợ giúp pháp lý để xúi giục người dân khiếu kiện, đồng thời luật sư cũng có thể kiến nghị với các cơ quan nhà nước nên nghiên cứu giải quyết triệt để vụ việc khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Chia sẻ về những khó khăn của luật sư trong quá trình trợ giúp pháp lý, ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, mỗi kỳ họp Quốc hội, bà con đến khiếu kiện tăng, chính vì vậy sự tham gia trợ giúp pháp lý của các luật sư sẽ làm bà con ấm lòng hơn và các luật sư sẽ có những trải nghiệm trong quá trình tư vấn cho người dân, do đó, trong năm 2017, các tiêu chí số lượng người, số vụ việc, số đoàn đông người, áp lực vụ việc đã giảm so với năm 2016.

Theo ông Điệp, người dân tìm đến trụ sở tiếp dân đông là do nhiều người dân bị oan, bị thiệt thòi trong thời gian dài và không có sự hỗ trợ công bằng về pháp lý, nên dẫn đến tình trạng bức xúc và bất bình. Cùng với đó, việc giải quyết tại chính quyền cơ sở không thấu đáo, không kịp thời và không đảm bảo việc đối thoại theo luật nên người dân buộc phải khiếu kiện vượt cấp.

“Những người dân không thể kêu ở đâu được thì họ mới tìm đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương.”, ông Điệp nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ông Điệp đề nghị mỗi luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý cần tư vấn cho người dân thấu đáo, phân tích cho người dân các thông tư, nghị định, căn cứ pháp lý liên quan đến những vụ việc người dân khiếu kiện để từ đó người dân hiểu được mức độ vụ việc và chọn phương án khiếu kiện phù hợp.

Tại Hội nghị, các luật sư trực tiếp tham gia trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã chia sẻ những kinh nghiệm thông qua các vụ việc cụ thể để từ đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân khi đi khiếu kiện.

Từ những ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua đã được quan tâm giải quyết, đặc biệt với sự tham gia hỗ trợ pháp lý của các luật sư, người dân khiếu kiện đã có điều kiện được tiếp cận tư vấn pháp luật của luật sư, một số người dân tự nguyện về địa phương không tiếp tục khiếu kiện tại Trụ sở tiếp dân Trung ương nữa.

Cùng với đó, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư đã phát hiện một số việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật, luật sư hướng dẫn công dân có thể kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật và số lượt công dân đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương, số vụ việc, tính chất phức tạp cũng giảm tương đối đáng kể.

Để hoạt động hỗ trợ pháp lý tiếp tục được phát huy, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Liên đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố cùng phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân, từ đó đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp được phát huy hiệu quả.