Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực của Mặt trận

(Mặt trận) - Ngày 21/11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.250 đại biểu, đại diện cho cho hơn 53.000 tăng, ni, hơn 16 triệu phật tử trên cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dự Đại hội có Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng, ni trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo đại diện đồng bào phật tử trong và ngoài nước.

Về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, TP. Hà Nội; đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài.

Báo cáo tổng kết công tác Phật sự của Hội đồng Trị sự trình bày trước Đại hội đã nêu bật những thành tựu quan trọng của Giáo hội trong nhiệm kỳ qua. Tiêu biểu là việc hoằng dương chính pháp, củng cố và trang nghiêm Giáo hội làm ngôi nhà chung tiêu biểu cho tín đồ phật tử trong và ngoài nước; tăng cường hoằng pháp tới các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội của Giáo hội tiếp tục được phát triển và mở rộng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, trẻ em mồ côi, xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết; mở các phòng khám từ thiện miễn phí; cứu trợ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ; chăm sóc, giúp đỡ những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS… với số tiền gần 7.000 tỷ đồng. Quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân của Giáo hội tiếp tục được mở rộng, với sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Giáo hội đã lần thứ hai đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak năm 2014 tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Giáo hội quan tâm triển khai nhiều hoạt động ích nước, lợi dân nhằm khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chủ động tham gia đấu tranh với những âm mưu chia rẽ Phật giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch... qua đó khẳng định vị thế và nâng cao uy tín của Giáo hội đối với đất nước và nhân dân, khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Đại hội là minh chứng sống động, biểu hiện cao nhất của tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa đạo với đời, giữa Giáo hội với đất nước. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam cũng như thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo có truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Cùng với đó, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Phó Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng ni và đồng bào Phật tử ở trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.

Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức hoà thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư cùng toàn thể tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên và sớm hoà nhập, luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi được thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đoàn kết tăng ni, phật tử khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, kiên trì phương châm: "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá cao và trân trọng biểu dương những kết quả hoạt động của toàn thể tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động.

Bên cạnh đó, Giáo hội cần quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường đoàn kết, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hòa hợp theo đúng tinh thần của Đại hội đề ra: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, tại Đại hội, các đại biểu sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ thảo luận để tu chỉnh, bổ sung Hiến chương của Giáo hội, khẳng định vai trò của hai Hội đồng, nhất là Hội đồng Chứng minh, góp phần ngày càng hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, cơ chế vận hành bộ máy của Giáo hội ở các cấp.

“Đại hội sẽ suy tôn, suy cử được Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự có khả năng tập hợp đoàn kết hoà hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ, các vùng miền; kết nối và phát huy được các giá trị đặc sắc của các hệ phái Phật giáo Việt Nam; mở rộng, tăng cường tình đoàn kết thân ái giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước và với tăng ni, phật tử Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân" và phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", góp sức cùng nhân dân cả nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn.

Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao bức trướng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, với dòng chữ “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII lẵng hoa tươi thắm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba cho 14 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân là các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch nước cũng quyết định tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 9 cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng thưởng Bằng khen cho 41 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho Giáo hội và xã hội.

 

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động cho các cá nhân. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và Bằng khen của UBTƯ MTTQ cho các cá nhân được khen thưởng.