“Có lần ông Phan Văn Khải (lúc đó là Thủ tướng) xin ý kiến chúng tôi về một việc. Đó là Chính phủ đang có khoản tiền, ông muốn gửi vào ngân hàng ở nước ngoài, chỗ đó họ chào mời lãi suất rất cao. Tôi mời ông Lê Khả Phiêu (lúc đó Tổng Bí thư) để cùng bàn với ông Khải ngay”, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết khi kể về những kỷ niệm sâu sắc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần ở tuổi 85.
“Thấy tôi nói phải, ông Sáu Khải tiếp thu ngay”
Ông Phạm Thế Duyệt cho biết: Ở khóa VIII, tôi làm chuyên về công tác Đảng. Thời điểm đó, tôi cùng ông Sáu Khải đều là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (mô hình tổ chức thời gian đó, không lập Ban Bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị gồm có 5 người: Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Phạm Thế Duyệt). Tôi làm Thường trực Bộ Chính trị (như Thường trực Ban Bí thư hiện nay), ông Sáu Khải là Thủ tướng.
Ông Phan Văn Khải (người vẫy tay) và ông Phạm Thế Duyệt (đi cạnh ông Khải - ảnh TTXVN)
Ông Phạm Thế Duyệt: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có bản lĩnh, quyết đoán nhưng có nguyên tắc.
|
Có lần tôi nói vui với ông Sáu Khải, đến thời anh em mình không thể có chuyện phân biệt “nhà trắng” (bên Chính phủ) “nhà đỏ” (bên Trung ương Đảng) nữa, có gì bàn bạc với nhau, chịu trách nhiệm về Đảng, về chính quyền cho rõ. Vấn đề gì vượt ra ngoài thẩm quyền giải quyết, tôi sẽ báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị. Nếu Thường vụ không giải quyết được thì báo cáo Bộ Chính trị. Tôi vẫn nói với ông vấn đề gì thuộc về thẩm quyền của Chính phủ, anh quyết định được thì làm quyết liệt, đừng có gì ngại. Còn vấn đề gì thấy ngoài tầm, cần xin ý kiến Thường vụ Bộ Chính trị hoặc Bộ Chính trị thì anh trao đổi với tôi, như vậy để anh em làm việc thoải mái, có hiệu quả.
Có một lần ông Phan Văn Khải có xin ý kiến chúng tôi về một việc. Đó là việc Chính phủ có khoản tiền dự trữ, ông muốn gửi vào ngân hàng ở nước ngoài, chỗ đó họ chào mời lãi suất rất cao. Tôi mời ông Lê Khả Phiêu để cùng bàn với ông Khải ngay. Sau nghe ông Sáu Khải trình bày, tôi nói việc gửi tiền ra nước ngoài như vậy rất nguy hiểm, không chắc chắn, không thể yên tâm, vấn đề kinh tế phải hết sức thận trọng. Thấy tôi nói vậy anh tiếp thu ngay. Như vậy chỉ có tôi và ông Lê Khả Phiêu, chưa cần phải họp Thường vụ Bộ Chính trị vấn đề ông Khải đưa ra đã được giải quyết.
Khi tôi làm công tác Mặt trận Tổ quốc cũng có nhiều kỷ niệm với ông Sáu Khải. Vào năm 2000 chúng tôi phát động Ngày vì người nghèo. Ông Trần Đức Lương lúc đó là Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi, còn tôi phát động. Chính phủ và các Bộ, các ngành hưởng ứng thúc đẩy. Ông Sáu Khải rất hoan nghênh công việc của Mặt trận Tổ quốc. Các chương trình như xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh vách đất, làm nhà đại đoàn kết đều được ông hết sức ủng hộ. Có những lúc ông đích thân phát biểu rồi thu băng để phát trên màn hình lúc giao lưu tổng kết chương trình, chính vì thế chương trình có sức nặng lớn.
Biết lắng nghe ý kiến Mặt trận Tổ quốc
Vào khoảng năm 2002 -2003, trong những lần tổng kết các chương trình trên, chúng tôi có tổ chức trưng bày triển lãm, đích thân ông Phan Văn Khải đã sang trực tiếp để xem. Ông chăm chú xem tất cả các tỉnh làm nhà cho người nghèo thế nào, xây nhà đại đoàn kết, xóa nhà tranh vách đất ra sao. Sau khi xem, ông đã biểu dương, hoan nghênh công việc thiết thực của Mặt trận Tổ quốc.
Từ năm 2000 trở đi, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư (ngày 18/11) được mở rộng toàn quốc. Tôi đề nghị với ông Phan Văn Khải, chỉ đạo tất cả các cấp chính quyền từ các bộ, ngành cho đến các tỉnh, thành phố, xuống đến quận, huyện, phường, xã để làm sao tất cả các cán bộ chủ chốt của chính quyền phải về với dân, sinh hoạt cùng khu dân cư, hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của khu dân cư, hiểu được ý nghĩa tổng kết năm của địa phương nơi người cán bộ sinh sống. Ông Khải đã nghe và chỉ thị cho các cán bộ thực hiện rất tốt.
Qua việc đó cho thấy ý thức rất cao của người người đứng đầu Chính phủ, biết lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, biết tôn trọng ý kiến của quần chúng. Vào những dịp cuối năm chúng tôi đều tổ chức họp đánh giá bên Chính phủ làm gì, bên Mặt trận Tổ quốc đã làm gì, còn gì tồn tại, ý kiến các nhân sĩ, trí thức, các hòa thượng, linh mục... Những cuộc họp như vậy tuy chỉ có vài chục người nhưng đại diện tiếng nói của Nhân dân. Những cuộc họp như vậy ngoài ông Phan Văn Khải còn có các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành cùng dự, như Bộ Nông nghiệp, Bộ LĐTB&XH, Thanh tra Chính phủ… Có thể nói ông là người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất nhưng ý thức Đảng rất cao, nên đã tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc hoạt động thuận lợi.
Trong các kỳ bầu cử Quốc hội, những cán bộ Nhà nước được giới thiệu ra ứng cử nhưng có vấn đề đều được ông Khải chỉ đạo thanh tra, phối hợp làm rõ, có những trường hợp được đưa vào danh sách để ứng cử đã bị cho ra.
Trước kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, thông thường ông Phan Văn Khải sang, trường hợp quá bận ông phân công Phó Thủ tướng sang trực tiếp báo cáo về đề án kinh tế trình Đại hội để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tham gia thảo luận. Có những lúc việc giới thiệu nhân sự có vấn đề gì, ông cũng trực tiếp sang Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc để giải trình.
Còn kỷ niệm nữa của tôi với ông Sáu Khải, đó là thời gian dư luận cho rằng tôi lạm dụng nên có nhà ở khu vực hồ Ba Mẫu, Hà Nội, ông Khải đã nói với tôi, tình hình như vậy cần phải có ý kiến. Tôi đề nghị Bộ Chính trị họp và có thông báo rõ ràng sự thật về tôi không phải như dư luận đã đồn thổi. Thông báo này sau đó được gửi cho toàn Ban chấp hành Trung ương và tất cả các tỉnh
Khi gặp nhau anh em chúng tôi vẫn hay nhắc lại những kỷ niệm trên. Đầu năm 2018, khi vào TP. HCM để dự kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, nghe ông bệnh tôi đến thăm. Chúng tôi lại nhắc lại những kỷ niệm ấn tượng về nhau.
Theo Lương Kết/Báo Dân Việt