Nỗi trăn trở của Thủ tướng

“Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Câu hỏi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với các thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra cuối tuần qua.

Nhìn lại giai đoạn 5 năm (2014 - 2018) thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Nghị quyết 19 đã tạo khác biệt rõ ràng so với trước đó.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng sự khác biệt này thể hiện ở 3 điểm chính. Thứ nhất là lần đầu tiên chúng ta áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới, lấy đánh giá của WB để áp dụng cho cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam thay vì tự đánh giá, từ đó chúng ta đưa ra những mục tiêu lượng hóa được, theo dõi được.

Khác biệt thứ hai, trong 5 năm qua, sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh đã được mở rộng và gia tăng. Ban đầu thì chỉ có Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TP.HCM, song đến nay hầu như các bộ đều quan tâm, chủ động triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19. 

Thứ ba, Chính phủ, Thủ tướng trong nhiệm kỳ này đã rất quyết liệt nhắc nhở, tạo áp lực để các bộ, ngành, cơ quan thực hiện Nghị quyết, với những chỉ đạo cụ thể, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục. “Gần như không có cuộc họp định kỳ hàng tháng nào Thủ tướng Chính phủ không nhắc đến triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Cung cho biết.

Nhờ đó, sau 5 năm, điểm số và thứ hạng xếp hạng của Việt Nam trong Doing Business của WB tăng liên tục, thứ hạng của Việt Nam tăng khoảng 30 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu. Trong đó, 9/10 chỉ số đánh giá được cải thiện liên tục (trừ Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp), thu hẹp dần khoảng cách so với ASEAN-4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines).

Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết đã có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên, chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn.

Thế nhưng, theo Doing Business 2019 vừa được công bố, dù tổng điểm của Việt Nam đã tăng 66,77 điểm lên 68,36 điểm song so về thứ hạng, Việt Nam lại bị giảm một bậc, đứng vị trí 69 trong tổng số 190 nền kinh tế.

Còn theo đánh giá trước đó của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam được chấm điểm 58,1 trên 100 trong báo cáo năm nay, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017, song lại tụt 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế.

Trên thực tế, chỉ số nào mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì đạt kết quả và cải thiện rõ nét.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng so với yêu cầu thì chúng ta còn  phải cố gắng rất nhiều.

”Để vượt lên, cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị: Tiếp tục khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân”, ông Lộc kiến nghị.

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh… Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều mặt tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục, mà trước hết là môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang bị tụt hạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trao đổi, thảo luận về vấn đề này, “không nói chung chung mà đi vào từng vấn đề, nội hàm, giải pháp, bước đi cụ thể”.

“Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”, Thủ tướng nói. “Các đồng chí phải đi vào từng việc cụ thể, trăn trở làm thế nào để nâng từng chỉ tiêu, tiêu chí mà ngành mình phụ trách”, Thủ tướng nhấn mạnh.