Nỗi lo "lạm phát” giáo sư, dễ dãi trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Tại Hội nghị phản biện về đào tạo sau đại học của Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam) tổ chức ngày 7.2 ở Hà Nội, một lần nữa vấn đề “bội thu” chức danh giáo sư, dễ dãi trong khâu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta lại được các chuyên gia nhìn nhận một cách thẳng thắn.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tại Hội nghị phản biện về đào tạo sau đại học, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta. Ảnh: Đức Thuận. GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra thực tế, hiện nay ở nước ta số lượng người có học hàm, học vị ngày càng nhiều, nhưng sáng chế khoa học lại chưa tương xứng.

“Nhớ những năm đầu hòa bình lập lại, tiến sĩ hầu như không có. Tại Đại học Tự nhiên Hà Nội, thầy giáo vừa cầm cuốn sách vừa dịch tiếng nước ngoài cho sinh viên nghe. Thế mà, chúng ta vẫn có thế hệ các nhà khoa học tên tuổi, đóng góp nhiều cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước và xây dựng nước nhà. Lưu ý, vào năm 1975 số lượng tiến sĩ của cả nước mới có hơn 1.000 người. Số lượng tiến sĩ hiện nay đã tăng 23 lần, nhưng sinh viên và thầy giáo đói sách triền miên, so về nghiên cứu khoa học thì nước ta vẫn thua xa các nước trong khu vực”- GS Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ.

Còn GS-TS Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra dẫn chứng hiện Singapore có nhiều bước tiến nhảy vọt trong khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Từ đó, ông khẳng định: Chúng ta hãy xem cách thức đầu tư của họ và thực thi các định hướng một cách nghiêm ngặt và xuất sắc tới mức nào. Sinh viên được chú trọng đào tạo kỹ năng thực tế, sau khi ra trường họ biết cách khởi nghiệp, còn của chúng ta thì thất nghiệp ngày càng tăng, đào tạo ra nhưng lại chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

GS Minh cho rằng, đã đến lúc nên tập trung phát triển chất lượng, chứ đừng chạy theo số lượng. Không nên đặt ra mục tiêu phải đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ. Việc hàng chục ngàn học viên mỗi năm được “ra lò” với sự đào tạo dễ dãi, tràn lan là rất đáng báo động.

Giáo sư, bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Tạ Thành Văn (Trường Đại học Y Hà Nội) thì chỉ ra thực tế, việc đào tạo sau đại học ở nước ta hiện nay không gắn kết với nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến việc dù số lượng người có học hàm, học vị ngày càng nhiều nhưng các sáng chế, công trình khoa học thực sự có chất lượng, được thế giới công nhận thì vẫn ít.

Có người đi học sau đại học, hay nộp hồ sơ ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư không phải với mục đích nghiên cứu, đóng góp cho nền khoa học nước nhà, mà chủ yếu để dễ dàng trong bổ nhiệm, nâng lương.

Ngoài ra, do kinh phí đào tạo sau đại học hiện chưa gắn kết với kinh phí nghiên cứu khoa học và công nghệ, các trường đại học không phải là cái nôi của khoa học đã dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ thấp hơn nhiều so với mặt bằng các nước trong khu vực.

Các chuyên gia kiến nghị, đã đến lúc cần “siết chặt” lại khâu đào tạo sau đại học chứ không nên “thả nổi” về chất lượng. Ngoài ra, việc phong GS, PGS phải hoàn toàn gắn với một cơ sở đào tạo,  chứ không nên để cho một hội đồng chức danh bầu xét, việc này là đi ngược lại xu hướng của thế giới.