Nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, từng bước kiểm soát dịch bệnh ở TPHCM

(Mặt trận) - Chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã dự cuộc giao ban với Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các sở ngành, TP. Thủ Đức, một số quận, huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 giao ban với TPHCM triển khai công tác chống dịch. Ảnh VGP/Đình Nam 

Giảm áp lực cho hệ thống điều trị, khu cách ly

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định trong tình hình dịch hiện nay, TPHCM phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp về điều tra dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa, kiểm soát các khu cách ly, điều trị, thực hiện nghiêm việc cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0… mới có hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 đến 10 ngày tới.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết để giảm áp lực cho hệ thống điều trị để tập trung điều trị những ca bệnh nặng, những trường hợp F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền hoặc đã điều trị ổn định, sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung F0 ở 24 quận, huyện và TP. Thủ Đức với tổng công suất khoảng 24.000 giường. Những cơ sở này có sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, có phương tiện hồi sức trong quá trình chuyển bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng lên tuyến trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đồng ý với đề xuất của Sở Y tế TPHCM đối với những F0 sau 7 ngày điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc nồng độ virus rất thấp, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ được về cách ly, theo dõi y tế, xét nghiệm tại nhà.

Tương tự, đối với các trường hợp F1, nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Đối với những trường hợp F1 cách ly tập trung, sau 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đưa về cách ly tại nhà, tiếp tục xét nghiệm vào ngày thứ 14.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TPHCM và Bộ Y tế đã linh hoạt, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn về cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0 trong điều kiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, nếu thực tiễn đặt ra yêu cầu thì cần tiếp tục điều chỉnh.

Tại cuộc giao ban, lãnh đạo TP. Thủ  Đức, Quận 1 cũng đã trao đổi về một số khó khăn, áp lực rất lớn đối với xử lý những F0 được phát hiện, nhất là những trường hợp có triệu chứng nặng, trong những ngày qua, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chống dịch, chính quyền cơ sở, tổ dân phố… Nhiều khu vực phong tỏa kéo dài do xuất hiện các ca nhiễm dây dưa, gây áp lực cho cả lực lượng y tế lẫn người dân, đặc biệt ở những khu dân cư có mật độ đậm đặc, điều kiện sinh hoạt chật chội.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cũng chia sẻ kinh nghiệm lập các điểm cách ly vùng đệm tại từng phường (từ 200 đến 400 giường) dành cho những trường hợp F1 gặp khó khăn về nơi ở, để giảm áp lực cho cơ sở cách ly tập trung của thành phố, dành chỗ thu dung, theo dõi F0 không có triệu chứng. Đối với các trường hợp F0 có nồng độ virus cao, có bệnh nền, TP. Thủ Đức chủ động điều trị tích cực để hạn chế bệnh nhân chuyển nặng hơn.

TP. Thủ Đức cũng phát các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để người dân tự xét nghiệm, nếu phát hiện dương tính thì gọi điện để lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ F0 qua sàng lọc xét nghiệm nhanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng cần lập vùng đệm trong khu cách ly tập trung, bảo đảm khoảng cách trong khi chờ khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR.

Đại diện Tổ Thông tin và phân tích dữ liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị thiết lập hệ thống đồng bộ, điều phối nhịp nhàng từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm, thông báo kết quả, kíp xe vận chuyển F0 đến cơ sở điều trị đã được điều phối từ trước, tạo thành quy trình khép kín. Đảm bảo khi được thông báo nhiễm COVID-19, người dân không phải chờ đợi lâu để được đưa đến cơ sở điều trị phù hợp với kết quả xét nghiệm và tình hình sức khoẻ.

Ưu tiên vaccine cho người trên 65 tuổi, có bệnh nền

Về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết đợt này Thành phố được phân bổ hơn 930.000 liều. Hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký, tuy nhiên, Thành phố sẽ ưu tiên cho đối tượng là người già trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người trong hệ thống phân phối hàng hóa. Đến nay, phần mềm quản lý tiêm chủng đã được hoàn thiện, bảo đảm người đến tiêm theo khung giờ, đúng đối tượng, bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch. TP dự kiến sẽ triển khai tiêm tại 20 bệnh viện, 624 điểm tiêm trong thời gian 2 tuần, nhưng không nhất thiết chia đều trong từng ngày.

TPHCM và Bộ Y tế đã thống nhất triển khai tiêm vaccine theo đối tượng ưu tiên, không phân biệt theo vùng nguy cơ. Tuy nhiên, đối với các vùng đang phong tỏa sẽ triển khai tiêm sau khi dỡ phong tỏa, bởi theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, sau 3 tuần tiêm vaccine cơ thể mới sinh kháng thể và tác dụng bảo vệ chỉ được phát huy đầy đủ khi một người đã tiêm đủ 2 mũi, tức là khoảng 3 tháng. Do vậy tiêm vaccine không có tác dụng chống dịch ngay lập tức ở những vùng phong tỏa.

Về băn khoăn liên quan đến các loại vaccine khác nhau, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đến nay Bộ đã ký hợp đồng mua vaccine Astra Zeneca, Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson's. Đợt này TPHCM được phân bổ nhiều loại vaccine khác nhau nhưng về cơ bản như Tổ chức Y tế thế giới đánh giá và Bộ Y tế đề nghị không phân biệt các loại vaccine. Bộ sẽ tiếp tục tính toán loại vaccine tiêm mũi 2 cho phù hợp nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến từ nay đến tháng 9/2021 lượng vaccine phân bổ cho TPHCM tối thiểu 5 triệu liều, như vậy đạt khoảng 50% đối tượng tiêm vaccine.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phải khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân Thành phố, bảo đảm an toàn, phù hợp, đúng đối tượng. Ngoài các đối tượng ưu tiên, cần quan tâm đến bộ phận người nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn có điều kiện sinh hoạt rất chật chội, đang ở trong vùng phong tỏa nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời hạn chế nguồn lây nhiễm mới phát sinh.

“Nguồn cung vaccine trên thế giới đang rất khan hiếm, nên ngoài nguồn vaccine của Trung ương, Thành phố cũng tích cực tìm kiếm để có nhiều nhất, sớm nhất vaccine tiêm cho người dân”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các hoạt động đàm phán, tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19 đã được thực hiện từ tháng 8/2020. Theo các hợp đồng đã ký, về cơ bản chúng ta có đủ lượng vaccine để tiêm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 8/2021, lượng vaccine về chưa nhiều. Chính phủ đã có kế hoạch phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố nhưng trước tình hình dịch bệnh ở TPHCM, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho Thành phố. Tới đây khi tiếp tục có các lô vaccine về Việt Nam, Chính phủ sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho Thành phố với tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải bảo đảm an toàn tối đa cho đội ngũ y, bác sĩ điều trị tuyến đầu, không để thiếu vật tư, trang thiết bị y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kiên trì, linh hoạt, sáng tạo

Kết luận cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chúng ta chưa có kinh nghiệm điều hành chống dịch đô thị lớn, đông dân, có nhiều khu công nghiệp như TPHCM với số ca nhiễm hàng ngày rất lớn.

Sau một thời gian dài thực  hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp và người dân đã chịu nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, nhất là những người nghèo, không có tích luỹ.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, dự báo trong những ngày tới khi số ca nhiễm vẫn còn lớn. Thành phố đang đứng trước thách thức rất lớn là phải tiếp tục “bóc” thật nhanh các F0 ra khỏi cộng đồng, để chặn đứt nguồn lây nhiễm của virus, nhất là đối với những người cao tuổi, có bệnh nền. Mặt khác phải chuẩn bị những bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 rất lớn.

Từ thực tiễn vừa qua, Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố phải kiên trì. Trước hết đã thực hiện giãn cách xã hội là phải nghiêm ngặt, thậm chí một số địa bàn quá đặc thù, khó kiểm soát thì phải có những giải pháp mạnh hơn nữa.

Bên cạnh chiến lược truy vết, xét nghiệm, “bóc” các F0 tại những khu vực có nguy cơ rất cao, thì Thành phố cố gắng duy trì, tăng cường xét nghiệm tầm soát, sàng lọc để củng cố những vùng an toàn, làm sạch và đưa những vùng nguy cơ cao dần về an toàn. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của lực lượng y tế.

Về xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng việc phát hiện ra số lượng lớn F0 cho thấy đã đúng trọng tâm, trọng điểm; từng bước phân tầng được F0 để đưa đi những cơ sở điều trị, thu dung phù hợp.

Nêu rõ vấn đề lớn nhất của Thành phố là phải giảm được tỷ lệ ca F0 có triệu chứng nặng lên, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc thành lập, mở rộng các trung tâm thu dung điều trị ban đầu có hệ thống oxy tập trung, tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, vận động sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ F0 không có triệu chứng chuyển nặng.

Bảo đảm an toàn, giữ bằng được lực lượng y tế

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đội ngũ y, bác sĩ của Thành phố đã chống dịch trong thời gian tương đối dài và đến giờ phút này anh chị em không chỉ chống dịch bằng sức lực mà cả lòng nhiệt huyết, trách nhiệm, lòng yêu nghề. Chúng ta phải tiếp tục ủng hộ cả về tinh thần, lẫn vật chất, tạo điều kiện làm việc tối đa cho các y, bác sĩ vì trên toàn thành phố sẽ phải mất hằng tháng để quay trở lại cuộc sống như trước khi chưa có dịch.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu TPHCM không được để tình trạng do các quy định về định mức kỹ thuật trong điều kiện thông thường mà để các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là những đơn vị điều trị bệnh nhân nặng (không phân biệt tuyến Trung ương hay địa phương, đã tự chủ hay chưa) thiếu vật tư, trang thiết bị điều trị cũng như đồ bảo hộ để giữ an toàn tối đa cho lực lượng y, bác sĩ điều trị tuyến đầu, các kíp xe vận chuyển bệnh nhân.

“Tôi đã đề nghị Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh không áp dụng máy móc các định mức về sử dụng đồ bảo hộ của nhân viên y tế như trong điều kiện bình thường”, Phó Thủ tướng thông tin.

Về lưu thông, phân phối hàng hóa, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ngành Công Thương để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách. Bất kỳ loại hình phân phối nào (chợ, siêu thị, cửa hàng…) kiểm soát được an toàn dịch bệnh thì từng bước cho phép hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, Thành phố đã rất quan tâm đến người nghèo, trong đó có cả những người rất ít khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền, để từng bước hỗ trợ ngày càng kịp thời, đầy đủ cả vật chất và tinh thần, đồng thời có phương án để những đối tượng này được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.

Phó Thủ tướng tin tưởng: Nếu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân TPHCM cùng nỗ lực, quyết tâm làm tốt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch đã được thống nhất thì 7 đến 10 ngày tới tình hình dịch bệnh của Thành phố sẽ từng bước được kiểm soát tốt hơn.