Những Bộ trưởng nào phiếu tín nhiệm thấp sẽ nhận nhiều chất vấn?

Hôm nay (30/10), Quốc hội bắt đầu bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn có sự thay đổi so với các phiên chất vấn thông thường.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

  Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (ảnh VNN).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện: Hình thức hiệu quả mang tính hậu giám sát

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này sẽ không có các nhóm vấn đề cụ thể hay Bộ trưởng, trưởng ngành được đưa ra để chất vấn và trả lời chất vấn. Thực hiện chất vấn giữa nhiệm kỳ nhằm xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội cũng như rà lại việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành tại các kỳ họp trước. Tôi cho đây là hình thức rất hiệu quả và mang tính chất “hậu giám sát” việc thực hiện lời hứa.

Đây là một trong những bước góp phần việc thúc đẩy thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Điều này sẽ giúp cho các kiến nghị của cử tri, các chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được thực hiện sớm hơn. Thông qua hình thức chất vấn này, các Bộ trưởng cũng sẽ phải rà soát lại công việc của mình thông qua góc nhìn của cử tri, của đại biểu Quốc hội.

Thông qua các kiến nghị của cử tri gửi đến Ban Dân nguyện trước kỳ họp, có thể thấy cử tri quan tâm rất nhiều đến các lĩnh vực giáo dục, trong đó có công tác thi cử, sử dụng sách giáo khoa; lĩnh vực giao thông với việc xuống cấp của các công trình BOT…

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (ảnh quochoi.vn).

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Bộ trưởng phiếu tín nhiệm thấp thì ngành đó còn nhiều bức xúc

Những vị Bộ trưởng nào trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua (công bố 25.10) có nhiều  phiếu “tín nhiệm thấp” nhất thì chắc chắn còn những vấn đề bức xúc ở bộ, ngành đó và có thể sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi để giải quyết. Chẳng hạn ở ngành giáo dục, tôi cho rằng đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn về những vấn đề còn tồn tại, để cả Bộ trưởng, Quốc hội cũng như Chính phủ cùng nhìn nhận ra những vấn đề tồn tại, bất cập mà người dân đang bức xúc, để có giải pháp thực hiện. Chất vấn không phải đưa vấn đề ra để nói nặng nhau hay có xung đột gì cả, mà vì sự mong mỏi của người dân.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (ảnh quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng: Bộ trưởng hứa nhưng làm đến đâu

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sẽ chuyển trọng tâm nội dung chất vấn, nếu có nội dung mới thì các đại biểu gửi câu hỏi bằng văn bản tới người được chất vấn. Quốc hội dành thời gian trực tiếp ở hội trường để đại biểu tập trung chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời những vấn đề đại biểu đặt ra mà người được chất vấn đã hứa từ những kỳ họp trước.

Anh hứa trước Quốc hội nhưng anh có làm không, làm đến đâu, kết quả thế nào và kết quả đến đó đã đạt chưa. Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục truy vấn phải như thế nào cho tốt hơn.

Có thể nói đây là bước rất quan trọng trong hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội tại nghị trường. Điều đó thể hiện điều Quốc hội đeo đuổi, giám sát tới cùng chứ không phải chỉ nêu lên vấn đề - trả lời – rồi để đó. Các đại biểu rà soát các nội dung chất vấn và trả lời trước đây. Có nghĩa rằng công việc đặt ra cần phải được rà soát, xem xét về quyết tâm, hiệu quả mà chúng ta đã làm.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (ảnh quochoi.vn).

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước: Quyết liệt gỡ vướng gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc giải ngân số vốn 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghiệp cao. Chính phủ đã ban hành những quy định để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy vậy, ở địa phương, doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, nếu không công nhận nhà lưới là tài sản có giá trị thế chấp thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Mong rằng, qua phiên chất vấn tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ quyết liệt, tạo thuận lợi cho địa phương khi triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.