Toàn bộ tài sản, hoa màu của người dân đã ra đi theo dòng nước sau sự cố sạt mái, lún sụt đê Hữu Bùi 2 (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) hôm 11.10.
Mọi sinh hoạt vẫn chưa thể trở lại bình thường sau mưa lũ - Ảnh TN
Chúng tôi về với bà con xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Nhìn vẻ mặt thất thần của bà con nơi đây đủ để thấy sự tàn phá khốc liệt của trận mưa lũ lịch sử với người dân lớn đến thế nào. Họ cho biết, chỉ qua một đêm đã trắng tay bởi hoa màu, gia súc, gia cầm đều đi theo dòng nước…
Toàn bộ nguyên liệu và sản phẩm thành phẩm mây tre đan xuất khẩu đã ra đi cùng dòng nước lũ - Ảnh TN
Khuôn mặt tỏ rõ vẻ ưu buồn, ngồi trước cửa nhà, ông Nguyễn Đình Thủ, ở xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, cho chúng tôi biết: "Khoảng 4h sáng ngày 11.10, nước bắt đầu tràn vào nhà, nước lên rất nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Nhà tôi có 2 mẫu đầm nuôi cá, khi nước vào vợ chồng tôi đã lấy lưới chắn nhưng không lại được với dòng nước. Chỉ sau vài giờ, nước ngập trắng đồng, toàn bộ hoa màu và gần 2 tấn cá trong đầm của gia đình tôi đã đi cùng dòng nước".
Cùng hoàn cảnh với ông Thủ, ông Nguyễn Bá Thanh, sinh 1958, ở xóm Cốc thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ buồn rầu: “Nước tràn vào nhà trong đêm, lụt sâu gần 2m, toàn bộ xưởng mây tre đan của gia đình tôi ngập trong nước. Bức tường nhà xưởng bị đổ, nguyên liệu nhập về và sản phẩm thành phẩm cũng ướt hết, không thể sản xuất được, ước tính thiệt hại cả trăm triệu đồng. Rất may khi lũ về, gia đình tôi đã lùa được ít gia súc, gia cầm lên khu vực cao chứ không thì trắng tay…”.
Người dân xón Nằng vẫn phải chèo thuyền trên đường - Ảnh TN
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến hiện là nơi duy nhất bà con vẫn phải chống chọi với dòng nước lũ. Đường vào xóm Nằng vẫn ngập trong nước, có nơi sâu đến 50 đến 80cm, mọi hoạt động của người dân vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Phụ thuộc vào mỳ tôm cứu trợ - Ảnh TN
Những người dân ở đây cho biết, nước lũ lên nhanh khiến họ không kịp trở tay, toàn bộ xóm Nằng bị cô lập, những ngày lũ đỉnh điểm, người dân chỉ còn biết ăn mì sống và uống nước lọc. Mọi sinh hoạt đời thường bị đảo lộn hoàn toàn. Có nhiều người cả tuần nay cũng chưa được tắm rửa.
Đặc biệt môi trường trở nên ô nhiễm, chân tay ngứa ngáy khi phải tiếp xúc thường xuyên với dòng nước bẩn. Nhưng đau xót nhất vẫn là tài sản, hoa màu đã “bốc hơi” chỉ sau một đêm, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Theo Tiến Nguyễn/Báo Lao động