Với sự chuẩn bị bài bản của Trung ương về nhân sự cho Đại hội XIII, bước đầu khắc phục được tình trạng “mua phiếu”, “vận động” để hạn chế những “con lươn”, “con chạch” lọt vào quy hoạch
Hôm nay (25/12), Hội nghị Trung ương 9 khai mạc và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó bàn về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và lần đầu tiên, Trung ương lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đảng ta luôn xác định, công tác cán cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là then chốt của mọi then chốt.
Thực tế thời gian dài vừa qua cũng đã chứng minh điều đó. Chưa bao giờ, số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật, trong đó có cả các cán bộ do Trung ương quản lý lại nhiều đến như vậy. Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, những sai phạm của những cán bộ này không phải bây giờ mới xảy ra mà là do tích tụ trong cả một quá trình dài. Nguyên nhân chính là chúng ta đã có phần buông lỏng việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý.
Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị (ảnh: Xuân Dần)
Chỉ đến khi, cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng và người đứng đầu Đảng ta phát động với quyết tâm không có “vùng cấm”, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì những sai phạm này mới được phát hiện và xử lý. Sai phạm ở khắp nơi, chỗ nào, ngành nào, cấp nào cũng có, ngay đến cả những môi trường mà dư luận vẫn tin tưởng trong sạch nhất và gần như chưa có tiền lệ trong xử lý cán bộ vi phạm là Công an, Quân đội, thì cũng xảy ra rất nhiều vi phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có hơn 10 tướng lĩnh ngành Công an, quân đội bị xử lý kỷ luật và hầu Tòa.
Đây cũng là bài học sâu sắc trong công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Sau mỗi lần kỷ luật cán bộ, chúng ta đều nhìn lại công tác quy hoạch và quy trình bổ nhiệm. Quy hoạch chưa tốt chắc chắn sẽ để lọt vào bộ máy những “con lươn”, “con chạch” như Tổng Bí thư đã từng trăn trở. Quy trình đầy đủ, chặt chẽ nhưng khi người vận hành quy trình cố tình làm sai, bóp méo cũng sẽ để lọt vào bộ máy những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng và ngay trong cả việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua cũng cho thấy, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng, gần như quyết định sự thành công hay thất bại.
Người đứng đầu Đảng ta nêu gương, quyết liệt với nạn tham nhũng thì những kết quả đạt được gần như là “kỳ tích”. Chưa bao giờ, cuộc chiến chống tham nhũng lại diễn ra mạnh mẽ và ngày càng quyết liệt như hiện nay. Chưa bao giờ lại có nhiều cá nhân, tổ chức sai phạm đến như vậy.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chỉ trong vòng 2 năm lại đây, cấp ủy và UBKT các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm. Tính đến nay, đã có 59 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị xử lý, kỷ luật trong đó có 13 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và có 1 Ủy viên Bộ Chính trị.
Những quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và người đứng đầu Đảng ta đã thổi luồng khí thế mới đến cho người dân. Niềm tin vào Đảng, vào chế độ ngày càng được củng cố, là động lực để người dân hăng say phấn đấu, xây dựng đất nước. Bằng chứng là trong những năm gần đây, mọi mặt của đời sống xã hội có những phát triển vượt bậc, nhất là tăng trưởng kinh tế với những con số ấn tượng, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Từ vai trò quan trọng của người đứng đầu, cũng có thể cho thấy, trong thời gian qua, những vi phạm của các tổ chức, cá nhân đều liên quan đến người “cầm cân, nẩy mực”. Những vụ đại án đã và đang được đưa ra xét xử, nhiều ngàn tỷ đồng tiền mồ hôi xương máu của nhân dân đã bị chính cá nhân những cán bộ đứng đầu đó trục lợi, làm thất thoát hoặc “chống lưng” cho nhóm lợi ích, sân sau trục lợi…
Thời gian qua, Đảng và người đứng đầu Đảng ta đã nhìn thấy rõ những bất cập đó. Cùng với quyết tâm cao, không có bất cứ “vùng cấm” trong xử lý lý sai phạm, Đảng ta cũng đã có nhiều Quy định, quy chế làm hoàn thiện và chặt chẽ hơn việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Lần đầu tiên, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được làm một cách bài bản, chặt chẽ đến như vậy. Quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo từ lâu và rất kỹ càng, bài bản được thể hiện trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước. Quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước. Trong các quy trình này, sự giới thiệu, thẩm tra ở mỗi bước cũng được làm khá chặt chẽ và độc lập, tránh tình trạng cấp trên tin tưởng tuyệt đối vào sự giới thiệu của cấp dưới và nhiều khi không có sự xác minh, thẩm tra lại.
Trong quy hoạch lần này, Trung ương đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cấp Ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan tham mưu. Với quy trình bài bản, thận trọng như vậy, việc quy hoạch giới thiệu cán bộ sẽ không chỉ là trách nhiệm của một cấp, mà sẽ rõ được trách nhiệm của từng cấp, từng khâu. Làm như vậy cũng sẽ hạn chế được tình trạng bấy lâu nay chúng ta vẫn còn “vướng” trong xử lý cán bộ vi phạm là khó quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức giới thiệu, bổ nhiệm.
Ngoài những tiêu chuẩn chặt chẽ về năng lực, Đảng ta cũng đặc biệt coi trọng về phẩm chất, đạo đức của người được quy hoạch. Thực tế thời gian dài vừa qua cho thấy, với một cán bộ, nếu khuyết thiếu một trong hai yếu tố này thì đều trở thành mối nguy hại cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt, một khi cán bộ đã “thoái hóa biến chất” thì hậu quả là khôn lường.
Vì thế, ngay trong Hội nghị Trung ương 7 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Người đứng đầu Đảng ta đã rất trăn trở trong công tác cán bộ, chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?...
Trong việc quy hoạch cán bộ chiến lược tại Hội nghị Trung ương 9, vấn đề phẩm chất của những người được quy hoạch cũng được đặc biệt quan tâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo, dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Cũng là lần đầu tiên, một Hội nghị của Đảng sẽ lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Hoạt động này thể hiện sự dân chủ không chỉ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mà dân chủ cả trong hoạt động của Đảng. Qua việc bỏ phiếu tín nhiệm, những người cầm lá phiếu trên tay cũng thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước, để đánh giá cán bộ một cách khách quan và công tâm. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ xem xét lại mình, tự nhận thấy những hạn chế để khắc phục, hoàn thiện bản thân.
Với sự chuẩn bị bài bản, thận trọng của Trung ương về nhân sự cho Đại hội XIII, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng “chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết" như khẳng định của ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
Và, người dân có quyền kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Theo Minh Hòa/VOV.VN