Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải – Nhà kỹ trị cải cách và kiến tạo

Thời kỳ đương nhiệm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi là Thủ tướng của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tiên phong giải phóng cho kinh tế tư nhân

Trong tâm thức của nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành, gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ (1997 - 2006), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện rõ là người có tư tưởng cải cách, hội nhập.

Ông Vũ Quốc Tuấn, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người đặc biệt quan tâm đến vấn đề thể chế: “Thủ tướng Phan Văn Khải từ khi làm Phó cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất quan tâm đến vấn đề thể chế kinh tế và đã cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực hiện nhiều công việc cải cách thể chế kinh tế”.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: KT)

Là một chính khách trưởng thành từ Ủy ban Kế hoạch Tp.HCM, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh. Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của vị tân Thủ tướng.

Nhắc đến Thủ tướng Phan Văn Khải, sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập đến Luật Doanh nghiệp 1999, một bộ luật mà đến giờ vẫn là bước cải cách mạnh nhất, cơ bản nhất của Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế về lâu dài.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Phan Văn Khải luôn có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập.

“Chính ông Phan Văn Khải đã trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và chính ông Khải đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội. Đó là luật giải phóng cho kinh tế tư nhân”, ông Doanh cho biết.

Trước kia theo Luật Công ty 1990, doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Hồi đó ông Đinh Hạnh làm Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội thường dành riêng chiều thứ 7 để họp. Mỗi chiều, ông thông qua được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân.

“Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó, theo kiến nghị của chúng tôi, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của Chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên, đến khi Luật được thông qua, các Bộ và địa phương không thực hiện vì nhiều nơi bị cắt bỏ quyền lực”, ông Lê Đăng Doanh nhớ lại.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người ký Nghị định đầu tiên về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tháng 11/2011 theo đề nghị của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

“Ông cũng là người đề xuất ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Trong suốt thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm, giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi ông là Thủ tướng của doanh nghiệp”, ông Vũ Quốc Tuấn kể lại.

Ông Vũ Quốc Tuấn

Đặc tính lớn nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải là hết sức lắng nghe. Tư duy điều hành mang tính nền tảng của Thủ tướng được thể hiện ngay trong những yêu cầu của ông đối với Tổ tư vấn. Ông luôn chỉ đạo, yêu cầu Ban Nghiên cứu chú trọng đến những khuyến nghị về giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng về dài hạn, chứ không phải là tăng tốc ngắn hạn.

Ông Vũ Quốc Tuấn sinh năm 1927, từng là chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ, trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1985-1994 và là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ông Tuấn nhớ lại: Thủ tướng là người biết lắng nghe các ý kiến từ ban tư vấn để làm việc với các Bộ. Lúc đó có Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp do ông Trần Xuân Giá làm tổ trưởng để làm việc rất quyết liệt với các Bộ, thậm chí là từng Bộ trưởng để giải quyết các vấn đề liên quan đến giấy phép con.

Thủ tướng biết dựa vào những chuyên gia có tâm huyết. Trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng có cả Tổ chuyên về doanh nghiệp.

Thủ tướng là người đôn hậu, chân thành, gần gũi, thân mật và cởi mở và không vướng víu cá nhân, không tư lợi.

 

 “Ban Nghiên cứu có nhiều việc, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tướng Phan Văn Khải thường xuyên làm việc với Ban Nghiên cứu, tuần làm việc 1 lần, luôn rất lắng nghe. Hồi đó, Ban Nghiên cứu mở rộng đến 40 người, cả chuyên gia trong nước và nước ngoài, những người phát biểu rất khách quan, công tâm, không có lợi ích nhóm”, ông Tuấn cho biết.

Có thể nói, lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông Khải là một Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này.

Tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Ông đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ giấy phép con hành doanh nghiệp.

Sau khi có Luật Doanh nghiệp, lần đầu tiên Thủ tướng lập Tổ công tác của Chính phủ về triển khai Luật và cắt giảm các giấy phép con, trong đó ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng, ông Lê Đăng Doanh là Tổ phó, Uông Chu Lưu, Phạm Viết Muôn... là thành viên. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Tuấn, việc xóa bỏ giấy phép con không phải đơn giản vì phải làm việc với các bộ, ngành rất công phu, nhiều khi phải đấu tranh quyết liệt, nhưng Thủ tướng đã luôn rất quyết liệt, kiên trì.

“Ngay từ năm đầu tiên khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, năm đó cố Thủ tướng đã ký lệnh xóa bỏ hơn 240 giấy phép con. Đó là lần đầu tiên xóa bỏ giấy phép con. Tết năm đó, giới doanh nhân gọi là quà tết của Thủ tướng cho giới doanh nhân”, ông Vũ Quốc Tuấn nhớ lại.

Việc cắt giảm giấy phép con đã giúp cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân. “Kinh tế lúc bấy giờ đã có bước phát triển mạnh, người dân cảm thấy thoải mái, họ cảm thấy được tự giải phóng”, ông Lê Đăng Doanh chia sẻ.

TS. Lê Đăng Doanh

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đầu tiên đối thoại với kinh tế tư nhân, giải quyết những vướng mắc của kinh tế tư nhân. Tất cả đều là hướng đi rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế thị trường. “Ông Khải là người kỹ trị, đi sát vào công việc, đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ chứ không riêng gì ở tầm chiến lược”, ông Doanh nói.

Là một người có tầm nhìn, bao quát, quyết đoán và dám làm, với kiến thức kinh tế chuyên môn sâu, được sự trợ giúp của một Ban Tư vấn gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu và đặc biệt bắt đúng đà của thời kỳ đổi mới được hình thành từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN.

Dưới thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam và Hoa kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) năm 2000. Thủ tướng cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, gặp Tổng thống George Bush tại Nhà trắng vào năm 2005. Chuyến thăm đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hoá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó.