Nguy cơ cao mắc Covid-19 trên đường du học sinh về nước

Dự báo trong vài ngày nữa, công dân Việt Nam sẽ đổ về từ các nước châu Âu, Mỹ để tránh dịch Covid-19. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc lên máy bay về nước trong những ngày này rất dễ lây nhiễm Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

-Tính đến hết ngày 15/3, Việt Nam đã có 57 ca mắc Covid-19. Dự báo số ca mắc còn tăng trong vài ngày tới khi công dân Việt Nam từ các nước có dịch Covid-19 ở châu Âu, Mỹ sẽ về nước đông hơn. Ông có khuyến cáo gì khi du học sinh, công dân đi lao động ở các nước có vùng dịch muốn về nước ở thời điểm này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Như tình hình thực tế, hầu hết các ca bệnh đầu tiên Việt Nam phát hiện ra đều đến từ các chuyến bay. Do đó, có thể nhận định rằng quá trình di chuyển từ các nơi đến sân bay đầu mối, trong quá trình bay với nhiều người, quá cảnh tại các sân bay ở nhiều nước sẽ tiềm ẩn nhiều rủi do cho công dân Việt Nam.

Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 ở các nước châu Âu phức tạp, việc di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng (taxi, xe bus, máy bay...) có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Ngoài ra, việc quá cảnh tại sân bay các nước thứ 3 cũng có thể làm các công dân lây nhiễm Covid-19. Đơn cử, một Việt kiều Mỹ về TP.HCM đã mắc Covid-19 khi quá cảnh ở sân bay Vũ Hán (Trung Quốc) chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào ngày 15/1; hoặc bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận mắc Covid-19 khi quá cảnh từ sân bay Doha (Qatar) về Việt Nam ngày 2/3.

 

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Một nguy cơ nữa là khi ngồi trên máy bay 15-24h đồng hồ trong không gian khép kín. Nếu trên máy bay có người mang virus SARS-CoV-2 thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Điển hình là chuyến bay mang số hiệu VN0054 xuất phát từ London (Anh) và hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2/3 có đến 14 hành khách đã bị nhiễm SARS-CoV-2, hay cũng chuyến bay số hiệu đó về Việt Nam ngày 9/3 đã có 3 người mắc bệnh là một nữ tiếp viên ở Hà Nội và một nữ du học sinh ở Hạ Long, một du khách nước ngoài.

-Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có những giải pháp kiểm soát chặt hơn khách nhập cảnh. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 vừa có công văn yêu cầu về tổ chức cách ly y tế hiệu quả đối với người nhập cảnh từ vùng có dịch. Theo đó, toàn bộ người nhập cảnh về từ hoặc từng đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày phải đưa về khu vực cách ly tập trung. Những người này sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp âm tính vẫn phải cách ly tập trung đến khi đủ 14 ngày.

Điều này nhằm xác định ca mắc Covid-19 ngay để điều trị kịp thời. Còn ca âm tính cũng phải chờ cho hết thời gian ủ bệnh (14 ngày), để đảm bảo ngăn chặn triệt để các ca mắc Covid-19 lây lan ra cộng đồng. Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian cách ly.

Vì vậy, tất cả công dân về nước đều phải tuân thủ khai báo y tế trước chuyến bay, khi nhập cảnh. Mọi người cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình, những nơi mình đã đi qua, bao gồm cả những sân bay quá cảnh, trong vòng 14 ngày trước chuyến bay. Tuyệt đối không được giấu thông tin về sức khỏe, không được phép như trường hợp hành khách lên chuyến bay cất cánh được 2 giờ, gia đình mới điện thoại báo cho hãng hàng không.

 

Đưa người nhập cảnh về nơi cách ly tập trung tại sân bay Nội Bài (ngày 15/3).

-Việt Nam đã dự tính đến trường hợp các công dân từ nước ngoài vẫn ùn ùn kéo về, sẽ dẫn đến những khó khăn gì cho ngành y tế và chính quyền thưa ông?

Khi lượng lớn công dân ồ ạt trở về Việt Nam sẽ khiến số lượng người trong các khu cách ly đông lên, dẫn đến khó khăn về bố trí chỗ ở tại nơi cách ly. Việc kiểm soát khu cách ly, phục vụ cho những người cách ly cũng sẽ phức tạp hơn và tốn kém hơn. Đặc biệt và quan trọng hơn nữa là công tác quản lý chống lây nhiễm trong cơ sở cách ly cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn và khó khăn hơn. 

Tính đến hết ngày 15/3, Việt Nam đã có 57 ca mắc Covid-19, trong đó 16 ca đã xuất viện.

12 tỉnh thành phố có ca mắc Covid-19 bao gồm: Vĩnh Phúc (11 ca), Hà Nội (11 ca), Bình Thuận (9 ca), TP.HCM (8 ca), Quảng Ninh (5 ca), Đà Nẵng (3 ca), Quảng Nam (3 ca), Huế (2 ca), Lào Cai (2 ca), Thanh Hóa (1 ca), Ninh Bình (1 ca), Khánh Hòa (1 ca).

Tựu chung lại, khi người nhiễm lây lan cho cả cộng đồng, đồng nghĩa với khó khăn trong việc tìm người tiếp xúc, công tác phát hiện, cách ly, phong tỏa… cũng vì thế mà khó khăn hơn. Trong khi đó, phát hiện người mắc Covid-19 chậm phút nào thì nguy cơ lây nhiễm càng nhân lên.

Vì vậy, việc công dân Việt Nam là lao động, du học sinh trở về nước nếu ùn ùn về nước trong thời điểm này có thể tạo thêm khó khăn không chỉ cho ngành y tế, cho các cấp chính quyền, mà cả cho đất nước và nhân dân. Gánh nặng sẽ nhân lên gấp bội phần nếu người mới nhiễm đó không khai báo trung thực.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng đã tính đến tình huống này nên đã giao cho Bộ Quốc phòng lên phương án chuyển các trường hợp cách ly tập trung về các đơn vị cách ly khác của các tỉnh, thành phố lân cận trong trường hợp quá tải tại các khu vực cách ly tập trung của quân đội.

Còn Bộ Công an nghiên cứu phương án để rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh hoặc hoàn thiện thủ tục nhập cảnh sau để tránh tình trạng quá tải, tập trung đông người tại sân bay khi các máy bay hạ cánh.

Rất mong công dân Việt Nam nếu trở về nước vào thời điểm này cũng sẽ tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu của cơ quan chức năng, khai báo y tế trung thực, chấp nhận cách ly nhằm bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình mình và cho đất nước mình.

-Xin cảm ơn ông!.