Người trốn khỏi nơi cách ly y tế sẽ bị xử lý ra sao?

Trong diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, việc trốn khỏi nơi cách ly y tế đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, tùy mức độ mà áp dụng xử phạt hành chính, hay hình sự.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

 

Trốn khỏi nơi cách ly y tế không chỉ gây nguy cơ truyền nhiễm bệnh dịch, người có hành vi này còn bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Xử phạt hành chính

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, thuộc nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Đối với bệnh thuộc nhóm A thì một trong những điều khoản bắt buộc là khai báo y tế và tuân thủ việc cách ly, điều trị của cơ quan chức năng.

Hành vi trốn tránh cách ly/trốn khỏi nơi cách ly là hành vi đáng lên án, không những gây nguy cơ lây lan dịch bệnh; gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng mà xét về mặt pháp luật, hành vi này còn là vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Long, người trốn tránh cách ly/bỏ trốn khỏi nơi cách ly có thể bị xử lý hành chính từ 5-10 triệu đồng, theo điểm b khoản 2 điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điều 10 quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

Phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cách ly; cưỡng chế cách ly.

Có thể xử lý hình sự

Trường hợp, người trốn tránh cách ly/trốn khỏi nơi cách ly mà gây ra hậu quả lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; tùy hậu quả xảy ra có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 1-12 năm.

“Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5-10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10-12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 2 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.