Người dân phản ánh tới VPCP, nhiều cán bộ nhũng nhiễu bị xử lý

Qua hệ thống tiếp nhận của VPCP, hơn 1.000 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân đã được các bộ ngành, địa phương xem xét, trả lời. Nhiều cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực bị xử lý, thậm chí buộc thôi việc.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9 năm 2016 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã thiết lập Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp vào tháng 10/2016 tại địa chỉ https://doanhnghiep.chinhphu.vn và Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị (PAKN) của người dân vào tháng 4/2017 tại địa chỉ https://nguoidan.chinhphu.vn, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. - Ảnh: VGP

Hơn 1.000 phản ánh, kiến nghị được trả lời

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tới nay, các hệ thống đã tiếp nhận được 4.667 PAKN của người dân và 1.094 PAKN của doanh nghiệp.

Trong số hơn 4.600 PAKN của người dân, có 838 PAKN thuộc phạm vi xem xét, xử lý, VPCP đã tiến hành phân loại và chuyển 470 PAKN đến các Bộ, ngành, địa phương; 368 PAKN còn lại đang đề nghị người dân cung cấp bổ sung thông tin. Các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, trả lời được 260/470 PAKN, đạt 55,31%.

Trong số hơn 1.000 PAKN của doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, trả lời được 812 PAKN, đạt khoảng 80%.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, với quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đi vào nền nếp và phát huy được hiệu quả.

“Hầu hết các PAKN sau khi có văn bản trả lời đều được người dân, doanh nghiệp đánh giá tích cực vì đã giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. VPCP đã nhận được 39 thư cảm ơn của doanh nghiệp và rất nhiều phản hồi tích cực từ các tổ chức, hiệp hội; phần lớn người dân có PAKN đều hài lòng về kết quả trả lời của các Bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu.

Trong số 260 PAKN của người dân được các Bộ, ngành, địa phương xử lý, trả lời công khai trên Hệ thống thông tin, có 248 PAKN (tương đương 95,38%), được người dân đồng tình hài lòng với kết quả giải quyết; chỉ 12 PAKN (4,62%) người dân chưa hài lòng với kết quả giải quyết.

Đồng thời, một số PAKN mang tính chất sáng kiến, giải pháp đã được các bộ, ngành đánh giá cao và cam kết sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định, thủ tục hành chính. Từ PAKN của người dân, doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước đã kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm và xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc không chuẩn mực trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của một số công chức.

Chẳng hạn, từ phản ánh của Công ty TNHH TMDV Đào Minh Anh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu Cục trưởng Cục thuế TP. Cần Thơ tổ chức rút kinh nghiệm trong xử lý, trả lời các PAKN của doanh nghiệp.

Từ phản ánh của Công ty CP Thép Thuận Thành, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật, điều chuyển cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính do có hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp; mời lãnh đạo Công ty làm việc để trực tiếp xin lỗi…

Từ PAKN của ông Lê Văn T, Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa xem xét, xử lý về chế độ chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng cho bà Nguyễn Thị Loan, đã tiến hành kiểm điểm và buộc thôi việc đối với cán bộ làm thất lạc hồ sơ của bà Loan.

Từ PAKN của ông Đào Văn Bình, Cục Thuế TP Hải Phòng xem xét, xử lý việc cán bộ chi cục thuế huyện An Dương gây phiền hà trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, đã tiến hành kiểm điểm, phê bình và chuyển công tác đối với công chức có hành vi gây phiền hà cho người dân…

Nhiều cơ quan làm tốt việc trả lời người dân, doanh nghiệp

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ các bộ, địa phương đã làm tốt công tác tiếp nhận, trả lời PAKN của người dân, cụ thể là các Bộ: Giao thông vận tải (đã trả lời 100% tổng số PAKN tiếp nhận), Ngoại giao (đã trả lời 100%), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (đã trả lời 83,33%) và các địa phương: Hải Phòng (đã trả lời 100%), Thanh Hóa (đã trả lời 100%), Quảng Bình (đã trả lời 88,88).

Làm tốt công tác tiếp nhận, trả lời PAKN của doanh nghiệp là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (đã trả lời 94,21% tổng số PAKN tiếp nhận), Tài chính (đã trả lời 88,58%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đã trả lời 86,05%; Xây dựng (đã trả lời 84,31%), Giao thông vận tải (đã trả lời 78,57%) và các địa phương: Lào Cai (đã trả lời 100%), Bình Dương (đã trả lời 100%), Lâm Đồng (đã trả lời 100%).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết VPCP sẽ tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý và trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với các PAKN đã quá hạn trả lời.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét xử lý một số kiến nghị của người dân, doanh nghiệp chưa đồng tình với kết quả trả lời của Bộ, ngành, địa phương; thực hiện kiểm tra tình hình, kết quả xử lý PAKN trong các chương trình làm việc của Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính theo kế hoạch.

VPCP cũng sẽ thông tin tới các cơ quan báo, đài về tình hình, kết quả tiếp nhận, xử lý và trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp để tuyên truyền mạnh mẽ về 02 Hệ thống thông tin này; kịp thời cập nhật, đăng tải công khai kết quả giải quyết PAKN của các Bộ, ngành, địa phương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đặc biệt, VPCP sẽ triển khai thực hiện ứng dụng chữ ký số trong tiếp nhận, xử lý và trả lời người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống theo hướng liên thông giữa các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời chuyển các PAKN, rút ngắn thời gian xử lý…

VPCP cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí làm việc trực tiếp với các Bộ, địa phương chậm trễ trong việc trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

VPCP đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 574/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc xử lý PAKN và trả lời của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tăng cường tổ chức các sự kiện đối thoại, hội thảo, tọa đàm trực tuyến giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong thực thi chính sách, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.