(Mặt trận) - Chiều 7/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về nội dung dự thảo Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chiều 7/7 - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Cùng tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, thành viên Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, thành viên Ban Chỉ đạo và các nhà khoa học, Thường trực Tổ Biên tập Đề án.
Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Dự thảo Đề án nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sát sao, trong đó có nhiều ý tưởng mới, đóng góp vào quan điểm, mục tiêu, đột phá, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, trong đó có những nội dung về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các địa phương, các cấp, các ngành, các chuyên gia… để có cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án, trong đó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nêu rõ những nội dung quan trọng của dự thảo Đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, làm rõ tại buổi làm việc.
Sau khi nghe báo cáo về một số nội dung của Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, từ những gợi mở của Chủ tịch nước, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung này dưới sự điều hành của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ nhất trí cao về việc những nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Bộ Tư pháp có tầm khái quát cao, đề ra được nhiều giải pháp đột phá; đồng thời góp ý thẳng thắn, cởi mở, trực tiếp, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao về các nội dung liên quan và kiến nghị thêm một số giải pháp tới Ban Chỉ đạo.
Cam kết tiếp tục tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án cho đến khi được ban hành, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhất trí với nhiều nội dung liên quan như thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, cơ chế bảo vệ Hiến pháp, chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố…
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những vất vả, khó khăn của Bộ Tư pháp và đặc biệt đề cao tầm quan trọng của Bộ Tư pháp trong bộ máy nhà nước. Hoan nghênh Bộ Tư pháp chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, nhiều ý kiến tốt, cụ thể, tạo không khí làm việc dân chủ, cởi mở, Chủ tịch nước khẳng định, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong hoàn thiện Đề án và cũng là cơ quan tổ chức thực hiện những nội dung rất căn bản của Đề án.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân chủ được đề cao, định hướng XHCN rất rõ ràng trên tinh thần dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng…
Chủ tịch nước yêu cầu cần thiết phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong tình hình hiện nay. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật; đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án, bổ trợ tư pháp và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
Còn giai đoạn từ sau năm 2030 đến năm 2045, Chủ tịch nước định hướng, cần nghiên cứu hình thành hệ thống pháp luật đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh mới; thực hiện thống nhất quản lý thi hành án về một đầu mối; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố; cơ bản thống nhất việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp…
Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Tư pháp với tinh thần nội dung nào đã chín, đã rõ, nhất trí tương đối cao thì đưa vào dự thảo Đề án để cùng thống nhất cùng hành động; đề nghị Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn hơn nữa, lập luận đầy đủ, rõ ràng thuyết phục hơn nữa để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ 4 tới đây.
Theo VGP