Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần xác định các giải pháp đột phá

(Mặt trận) - Ngày 19/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Nghị quyết 26-NQ/TW đã đề ra chiến lược tổng thể, toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt với sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá cho thấy, sau hơn 13 năm thực hiện, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt mức khá cao (2,94%/năm), chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm...

Tuy vậy, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao...

Để đảm bảo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến vào những nội dung chủ yếu như: Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết về những thành công và hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra. Bên cạnh đó, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm rút ra từ việc thể chế Nghị quyết; những nội dung kế thừa và phát huy từ kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, những quan điểm, mục tiêu, giải pháp nào phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới; xác định vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Trên tinh thần đó, nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã đánh giá kết quả sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện; làm rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại, nguyên nhân, cũng như đề xuất điều chỉnh một số chính sách khó thực hiện đối với các địa phương; nhận định bối cảnh, xu hướng và đề xuất về quan điểm, mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân trong thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất bài bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của các cơ quan Nhà nước đã thúc đẩy tính tích cực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, ban, bộ, ngành Trung ương tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, nông nghiệp trong nhiều năm liền được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đề ra, đòi hỏi phải tăng cường nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thường trực Ban Bí thư khẳng định, đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, Nghị quyết mới phải tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, ban, bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Thường trực Ban Bí thư, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi; trong đó phải xác định được các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được.

Đặc biệt, Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như: thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; người nông dân an tâm làm giàu trên đất đã giao; thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. “Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…”, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; ý kiến phát biểu tâm huyết, ngắn gọn, sát thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Ban Chấp Trung ương đảm bảo chất lượng, đúng kế hoạch đã đề ra.