(Mặt trận) - Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát người đã tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 cho người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian; Thêm hơn 2 triệu liều vaccine Astra Zeneca về Việt Nam; Bình Dương tiếp tục giãn cách 'vùng đỏ' đến hết 15/9; Nam Định xuất hiện nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng; Việt Nam ghi nhận 11.434 ca COVID-19 trong 24 giờ qua, giảm 1.162 ca; Bộ Y tế phát đi "thông điệp 5T" cho địa bàn tăng cường giãn cách xã hội... đó là những thông tin nổi bật về tình hình dịch bệnh trong ngày 1/9.
|
Công nhân tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại Khu công nghiệp Tân Bình, Bình Dương được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 |
Bộ Y tế: Khẩn trương rà soát người tiêm mũi 1, lập kế hoạch tiêm mũi 2 vaccine COVID-19
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tiêm vaccine COVID-19.
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, tính đến ngày 29/8/2021, Việt Nam đã tiêm hơn 19,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó đã có hơn 14,7 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và hơn 2,5 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine.
Để đảm bảo tiêm đủ mũi (đủ liều) cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 (một liều) đủ thời gian; Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chỉ đạo thực hiện các nội dung.
Cụ thể, khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian tại đơn vị mình để chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vaccine. Cơ sở tiêm chủng sử dụng loại vaccine để tiêm mũi 2 theo hướng dẫn tại Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào, tốt nhất tiêm mũi 2 cũng loại đó.
Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca nếu họ đồng ý. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Các cơ sở không sử dụng vaccine Moderna hoặc các loại khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm AstraZeneca.
Với những người đã tiêm vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi 1, ở mũi 2, họ chỉ được tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Theo đó, hai mũi vaccine Moderna cách nhau tối thiểu 4 tuần. Với vaccine Pfizer, hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần. Hai mũi vaccine Sinopharm cách nhau 3-4 tuần.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị liên hệ ngay với Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur hoặc các Quân khu để tiếp nhận, vận chuyển vaccine về đơn vị theo quyết định phân bổ vaccine theo từng đợt của Bộ Y tế.
Thực hiện báo cáo hàng ngày và báo cáo sau khi kết thúc đợt tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng và Công văn số 6198/BYT-DP ngày 01/8/2021 về báo cáo tiến độ tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đối với đơn vị có triển khai tiêm mũi 2 vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho đối tượng đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Astrazeneca thì thực hiện báo cáo riêng theo Công văn số 5873/QĐ-BYT ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế về triển khai tiêm vaccine Comirnaty do Pfizer sản xuất.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau. Bộ Y tế đã phân bổ hầu hết số vaccine đã tiếp nhận về các địa phương, đơn vị.
|
Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được bảo quản tại kho bảo quản thuốc - vắc xin đạt chuẩn GSP của VNVC. |
Thêm hơn 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca về đến Việt Nam trong vòng 3 ngày
Sáng 1-9, hơn 576.000 liều vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 về tới sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh). Đây là lô vắc xin thứ 3 trong tuần này được AstraZeneca chuyển về Việt Nam, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 giữa AstraZeneca với hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Như vậy, cùng với 2 lô trước đó được chuyển về Việt Nam ngày 30-8, thì trong 3 ngày (từ 20-8 đến 1-9), đã có 2.016.460 liều vắc xin AstraZeneca được chuyển về Việt Nam.
Đến nay, hợp đồng đặt trước 30 triệu liều giữa VNVC và AstraZeneca đã mang về cho Việt Nam hơn 10,1 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.
Với hơn 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca này, hiện Việt Nam đã tiếp nhận hơn 29 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau, gồm: Hơn 19 triệu liều vắc xin AstraZeneca, hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna, khoảng 3 triệu liều vắc xin Pfizer, 2,5 triệu liều vắc xin Sinopharm và 12.000 liều vắc xin Sputnik V. Bộ Y tế đã phân bổ hầu hết số vắc xin đã tiếp nhận về các địa phương, đơn vị.
Tính đến sáng 1-9, sau hơn 5 tháng triển khai, Việt Nam đã tiêm hơn 20 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người dân, trong đó có khoảng 2,7 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, tính đến hết ngày 31-8, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đã tiêm được 2.166.142 mũi vắc xin (gồm: 1.973.051 mũi 1 và 193.091 mũi 2) cho 2.166.142 người (chiếm 26,3% dân số) và tương đương với 31% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.
|
Các địa phương chủ động phối hợp để cách ly và điều trị các F0. |
TP HCM: Hơn 91.000 F0 theo dõi, điều trị tại nhà
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) trưa 1/9, số lượng F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 91.505 người, trong đó có 64.768 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.737 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 20.792 người.
TP đã tổ chức 411 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Thực hiện giám sát hoạt động tại các trạm y tế lưu động.
Bình Dương tiếp tục giãn cách 'vùng đỏ' đến hết 15/9
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) và thực hiện "xanh hóa" địa bàn.
Theo đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi các thành phố, thị xã Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên kể từ 0h ngày 1/9/2021 đến hết ngày 15/9/2021 theo Chỉ thị 16 và thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên địa bàn 15 phường thuộc các thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên trong thời gian nêu trên.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo kể từ 0h ngày 1/9/2021 đến hết ngày 5/9/2021 theo Chỉ thị 16; không thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau.
Sau ngày 5/9/2021, căn cứ diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên từng địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo thực hiện các hình thức giãn cách xã hội và biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
|
Phong tỏa địa bàn có người nhiễm Covid-19 ở thị trấn Yên Định |
Nam Định: Xuất hiện nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng
Tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xuất hiện 10 ca dương tính với SARS-CoV-2, huyện này đang khẩn trương xác minh nguồn lây nhiễm của chùm ca bệnh.
Theo đó, vào ngày 31/8, Trung tâm Y tế Hải Hậu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh (test) sàng lọc cho đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên các trường học, đã phát hiện 23 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR đã khẳng định có 10 trường hợp mắc COVID-19, cả 10 trường hợp này là một số giáo viên và người nhà của giáo viên đang sinh sống tại tổ dân phố số 2, 3, 4 thị trấn Yên Định và tại xóm 17 xã Hải Hưng.
Đây là những ca mắc COVID-19 từ trong cộng đồng và những trường hợp này đều có tải lượng virus rất cao. Hơn nữa những người này đều có lịch trình di chuyển và tiếp xúc khá phức tạp nên rất có thể đã lây nhiễm bệnh cho nhiều người khác.
UBND huyện Hải Hậu đã yêu cầu lực lượng Công an huyện chủ trì, phối hợp với các xã, thị trấn, Trung tâm Y tế và các Tổ COVID-19 cộng đồng khẩn trương, thần tốc truy vết triệt để tất cả những trường hợp có liên quan đến các ca mắc COVID-19 nêu trên.
|
Tiếp nhận, vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân khu vực phong tỏa tại ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung sáng 1-9. Ảnh: B.Hân
|
Tính từ 18h ngày 31-8 đến 12h ngày 1-9, Hà Nội ghi nhận 50 ca dương tính
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 31-8 đến 6h ngày 1-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 30 ca nhiễm mới, trong đó có 8 ca tại khu cách ly và 22 ca tại khu vực phong tỏa. Các ca mắc mới phân bố tại 4 quận, huyện: Thanh Xuân (23), Đống Đa (3), Hà Đông (2), Đan Phượng (2) và đều thuộc chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng.
30 bệnh nhân (BN) thuộc chùm F1 của các trường hợp ho, sốt:
23 BN ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Các BN này sống chủ yếu tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, trong khu vực phong tỏa. Trong đó, có những BN được lấy mẫu xét nghiệm 2-3 lần âm tính. Sau đó, các BN xuất hiện triệu chứng và được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, lần 4 vào ngày 30-8, kết quả dương tính. Như vậy, tính từ ngày 23-8 đến sáng 1-9, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 371 ca mắc.
2 BN ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông: N.M.H, nam, sinh năm 1993; T.T.S, nam, sinh năm 1987. Cả 2 BN là F1 của BN N.T.T.L. Ngày 30-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2 BN ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng: T.V.K, nam, sinh năm 2011; N.H.D, nam, sinh năm 2011. Cả 2 BN là F1 của BN N.V.M.T. Ngày 30-8, các BN xuất hiện sốt, ho và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
3 BN ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa: N.K.O, nữ, sinh năm 1962; B.Q.Q, nam, sinh năm 1976; T.L.G, nữ, sinh năm 1984. Các BN sống trong khu vực phong tỏa. Ngày 30-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 1-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 20 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 16 ca tại khu cách ly, 3 ca tại khu vực phong tỏa và 1 ca ghi nhận tại cộng đồng.
Các ca mắc mới phân bố tại 11 quận, huyện: Thanh Xuân (7), Đống Đa (2), Đan Phượng (2), Gia Lâm (2), Hoàng Mai (1), Hoàn Kiếm (1), Đông Anh (1), Thanh Trì (1), Thường Tín (1), Hai Bà Trưng (1), Hoài Đức (1) và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (19), chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng (1).
Như vậy, tính từ 18h ngày 31-8 đến 12h ngày 1-9, Hà Nội ghi nhận 50 ca dương tính, trong đó có 24 ca tại khu cách ly, 25 ca tại khu vực phong tỏa, 1 ca tại cộng đồng.
Thông tin cụ thể 20 ca mắc mới như sau:
1 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc ho sốt:
BN N.T.L, nữ, sinh năm 1945, ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm. BN sống tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Ngày 29-8, BN được cháu đưa về huyện Gia Lâm. Trước khi về, BN đã được làm xét nghiệm âm tính. Chiều 31-8, BN có biểu hiện sốt 38,5 độ C, được làm test nhanh có kết quả dương tính, được chuyển vảo Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm. Ngày 1-9, BN có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính.
19 BN thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng:
1 BN trong 19 BN thuộc chùm F1 này cũng ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm là N.N.B, nam, sinh năm 1976. BN là F1 (cháu) của BN N.T.L. Ngày 31-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 1-9 có kết quả dương tính.
7 BN ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Các BN này sống chủ yếu trong khu vực phong tỏa hoặc khu tái định cư. Trong đó, có những BN được lấy mẫu xét nghiệm 2-3 lần âm tính. Các BN này được xét nghiệm vào ngày 1-9 có kết quả dương tính. Như vậy, tính từ ngày 23-8 đến trưa 1-9, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 378 ca mắc.
2 BN ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng: N.T.O, nữ, sinh năm 2006; N.N.G, nữ, sinh năm 2013; đều là F1 của BN N.V.M.T. Ngày 31-8, họ được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2 BN ở phường Văn Miếu và phường Phương Mai, quận Đống Đa: P.K.H, Nam, sinh năm 2009; N.V.T, nam, sinh năm 1960. Gia đình 2 BN này có người dương tính. Sau đó, 2 BN được chuyển cách ly tập trung và được xét nghiệm ngày 31-8 có kết quả dương tính.
1 BN ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì: N.H.T, nam, sinh năm 1989. BN đi cách ly tập trung tại Trường Quản ly cán bộ Nông Nghiệp từ ngày 2 đến 17-8. Sau khi hết cách ly tập trung, BN về tự cách ly tại nhà. Ngày 31-8, BN xuất hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm: N.T.T, nữ, sinh năm 1993, là F1 của BN N.T.L. Ngày 21-8, BN được chuyển cách ly tập trung, đã được xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 31-8, BN xuất hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở Phố Vồi, huyện Thường Tín: Đ.T.V, nữ, sinh năm 2017, là F1 (con) của BN Đ.X.P. Ngày 31-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức: N.M.H, nữ, sinh năm 2011, là F1 của BN T.V.K . Sáng 31-8, BN được xuất viện. Đến tối 31-8, BN được xác định là F1, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
1 BN ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai: D.V.H, nam, sinh năm 1990, là F1 của BN N.V.H. Ngày 28-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 30-8, BN xuất hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng: N.D.T, nam, sinh năm 2005, là F1 (con) của BN N.T.D. Ngày 26-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 31-8, BN xuất hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh: N.T.T, nam, sinh năm 1990, là F1 của BN N.T.T.H. Ngày 15-8, BN được chuyển cách ly tập trung, đã được xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 31-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 3.318 ca, trong đó, số mắc ghi nhận tại cộng đồng là 1.548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.770 ca.
|
Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người dân tại TP Thủ Đức. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) |
Việt Nam ghi nhận 11.434 ca Covid-19 trong 24 giờ qua, giảm 1.162 ca
Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 1-9, nước ta có thêm 11.434 ca nhiễm mới, 9.862 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Ngoài ra, trên Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong ngày 31-8 có thêm 433 ca tử vong và ngày 1-9 là 364 ca tử vong.
Cụ thể, tính từ 17h ngày 31-8 đến 17h ngày 1-9, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.434 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 11.429 ca ghi nhận trong nước tại thành phố Hồ Chí Minh (5.368), Bình Dương (3.440), Đồng Nai (759), Long An (594), Tiền Giang (194), Khánh Hòa (112), Kiên Giang (106), Quảng Bình (103), Tây Ninh (85), Đồng Tháp (75), An Giang (70), Nghệ An (57), Đà Nẵng (55), Bình Thuận (53), Hà Nội (51), Cần Thơ (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (29), Phú Yên (23), Sóc Trăng (20), Đắk Lắk (20), Quảng Trị (20), Trà Vinh (18), Quảng Ngãi (18), Thừa Thiên - Huế (17), Bến Tre (17), Bình Định (15), Sơn La (12), Nam Định (10), Vĩnh Long (7), Cà Mau (6), Ninh Thuận (6), Hậu Giang (5), Gia Lai (4), Lạng Sơn (4), Bạc Liêu (4), Quảng Nam (3), Bắc Ninh (3), Đắk Nông (3), Hà Tĩnh (1); trong đó có 6.759 ca tại cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.162 ca. Tại thành phố Hồ Chí Minh giảm 76 ca, Bình Dương giảm 1.090 ca, Tiền Giang giảm 20 ca, nhưng tại Đồng Nai tăng 125 ca, Long An tăng 7 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.817 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 469.311 ca, trong đó có 245.948 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện, có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum, Vĩnh Phúc. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Hồ Chí Minh (226.622), Bình Dương (118.228), Đồng Nai (24.525), Long An (22.638), Tiền Giang (9.846).
Về tình hình điều trị, trong ngày 1-9 có 9.862 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 248.722. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.334 ca, trong đó có 4.032 người thở ô xy qua mặt nạ; 1.227 người thở ô xy dòng cao HFNC; 144 người thở máy không xâm lấn và 907 người thở máy xâm lấn và 24 người phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Về số bệnh nhân tử vong, trên Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong ngày 31-8 là 440 ca tử vong và trong ngày 1-9 là 364 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (658), Bình Dương (78), Long An (14), Đồng Nai (12), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (9), Đà Nẵng (4), Khánh Hòa (4), Bình Phước (3), Hà Nội (2), Ninh Thuận (2), Thừa Thiên - Huế (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Bộ Y tế phát đi "thông điệp 5T" cho địa bàn tăng cường giãn cách xã hội
Chiều 1-9, Bộ Y tế phát đi thông điệp về việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" và thông điệp "5T" (Tuân thủ nghiêm "5K" - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường, xã) đối với các xã, phường tăng cường giãn cách xã hội.
Hương Diệp