Nâng chất lượng hoạt động công tác Mặt trận

(Mặt trận) - Sáng 14/5, tại Hà Nội, Lễ khai giảng Khoá bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận (lớp 1 - Khoá VI, thời gian từ 14 đến 23/5) do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự Lễ khai mạc có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, cùng 138 học viên là cán bộ Mặt trận 30 tỉnh, thành phía Bắc từ Quảng Trị trở ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Cập nhật nhiệm vụ của công tác Mặt trận

Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, sau khoá học, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức không những là lý luận cơ bản, điều quan trọng là những lý luận cơ bản đó sẽ được nghiên cứu, vận dụng, áp dụng vào thực tiễn tại các địa phương. Hoạt động Mặt trận theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chúng ta phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tại buổi tập huấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận năm 2018: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân; hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 

Trong đó, Phó Chủ tịch nhấn mạnh việc phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, triển khai đồng bộ các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hướng dẫn và tổ chức triển khai phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” đến cơ sở. Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ các cấp với các tổ chức thành viên và các cơ quan Nhà nước trong việc thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong nhân dân. Triển khai các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đợt tập huấn là cơ hội quan trọng để mỗi cán bộ Mặt trận địa phương được cập nhật, nắm vững những chủ trương, nhiệm vụ của công tác Mặt trận, đồng thời cũng là dịp để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt từ các địa phương, đơn vị bạn.

Ưu tiên tập huấn cán bộ cơ sở

Cũng tại buổi tập huấn, nhiều học viên đã  đặt vấn đề tăng số lượng các buổi tập huấn nhằm nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận.

Bà Lê Thị Minh, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Qua buổi tập huấn, chúng tôi nắm được nội dung của công tác Mặt trận cũng như đổi mới nội dung phương thức của công tác Mặt trận trong thời kỳ đổi mới để sau đó truyền đạt xuống từng địa phương, từng cơ sở.

Theo bà Minh, chất lượng của cán bộ Mặt trận hiện nay cần chuyên sâu hơn trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng về công tác tôn giáo. Và trong công tác tôn giáo đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, vì lĩnh vực tôn giáo rất nhạy cảm. Như vậy phải nâng cao trình độ của cán bộ Mặt trận trong công tác tôn giáo  giai đoạn hiện nay.

Về vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận cấp cơ sở, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Cán bộ Mặt trận huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái mong muốn: Chúng tôi rất cần được tăng cường những lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ cấp xã, cấp huyện. Đây là lần đầu tiên tôi được về Hà Nội tập huấn, được cọ xát với các đồng nghiệp, cùng chia sẻ kinh nghiệp làm việc, những mô hình các làm hay, sáng tạo.

Bà Nguyệt cho hay: Thực trạng năng lực người làm công tác ở cơ sở trên địa bàn huyện Trạm Tấu còn yếu và hạn chế, ỷ lại vào cán bộ Mặt trận cấp huyện. Đơn cử khi triển khai một công việc, cán bộ Mặt trận cấp huyện hầu như phải bắt tay vào làm cùng, hướng dẫn tỉ mỉ Mặt trận cấp cơ sở cũng như Ban Công tác Mặt trận.

“Cấp huyện chúng tôi có 3 nhân sự, về con người thì thiếu, kinh phí hoạt động hạn chế, rất mong được các lớp tập huấn ưu tiên cán bộ cơ sở. Chúng tôi mong có những đợt tập huấn từ cơ sở đến cấp huyện, ít nhất một năm từ 1 đến 2 đợt”, bà Nguyệt tâm tư.

Nêu tính cấp thiết của những đợt tập huấn công tác Mặt trận, ông Phạm Bá Việt, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Quan Sơn, Thanh Hoá nhấn mạnh: Cán bộ Mặt trận cơ sở, nhất là vùng thiểu số, vùng biên giới rất cần những cuộc tập huấn. Đặc biệt tập huấn tổ chức ở cấp tỉnh cho các cán bộ Mặt trận cơ sở được tiếp cận, vừa là tập huấn, vừa phải là thực tế.

“Chúng tôi ở địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi nên khó khăn gấp bội, điều kiện đi lại, cơ sở vật chất, kỹ năng người làm công tác Mặt trận hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều nêu tập huấn rất cần thiết. Năng lực của cán bộ Mặt trận cấp cơ sở hiện nay đa số là yếu, nhất là ở cấp xã. Vì số được đào tạo cơ bản hầu như không có, chỉ có chủ yếu từ kinh nghiệm thực tế. Chủ yếu có những người đến giờ còn chưa biết sử dụng máy tính, có khi biết sử dụng cũng không có máy tính để dùng. Ngay như cấp huyện chúng tôi cũng chưa được trang bị máy tính, cơ sở vật chất rất thiếu thốn...”, ông Việt nêu thực trạng. 

Ông Việt cũng đề xuất, việc tập huấn rất cần thiết nhưng công tác đi lại kinh phí còn hạn chế nên cần tăng cường với từng vùng. Bên cạnh đó kinh phí hỗ trợ người có uy tín cũng rất cần thiết...