Nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - “Việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Mặt trận góp phần giúp cho các đơn vị cũng như các cấp chính quyền quan tâm hơn đến các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, ý thức của đơn vị bị giám sát cũng như chính quyền các cấp đã được nâng lên một bước đáng kể”. Đó là khẳng định của bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi trao đổi với phóng viên về việc triển khai Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2017-2019.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác khảo sát quá trình khai thác và sản xuất quặng tại Công ty Apatit, Lào Cai.

Phóng viên: Xin bà cho biết kết quả giám sát về môi trường của MTTQ Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định môi trường là một trong những vấn đề được thế giới cũng như nhân dân cả nước quan tâm. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình số 25 để phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc này được Mặt trận tổ chức triển khai trong năm 2018, trong đó Mặt trận là đơn vị chủ trì với các cơ quan để giám sát.

Trong năm 2018, UBTƯ MTTQ Việt Nam dự kiến đi giám sát ở 4 tỉnh, thành phố trong đó có Hải Dương, Lào Cai, Cà Mau và TP. Cần Thơ. Trong 4 địa phương này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát được 2 đơn vị đó là Hải Dương và Lào Cai. Qua giám sát cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật cũng như sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy các địa phương cũng đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, HĐND cũng tăng cường hơn công tác giám sát; UBND các cấp cũng tăng cường ban hành các chỉ thị, đề án, quyết định để tổ chức triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những đơn vị chưa quan tâm nhiều đến việc bảo vệ môi trường, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa kiên quyết xử lý vi phạm, đặc biệt việc phát huy vai trò giám sát của người dân chưa được đề cao; đặc biệt việc đánh giá đầy đủ tác động môi trường chưa được phối hợp chặt chẽ… Vì vậy, vẫn còn tình trạng nhân dân ở một số nơi bức xúc vì ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của họ.

Phóng viên: Trong quá trình tổ chức các đoàn đi giám sát, Mặt trận chủ yếu là giám sát bằng mắt thường, nhưng nếu phải giám sát bằng máy móc thì gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh: Khi đi giám sát ở 2 tỉnh Hải Dương và Lào Cai về thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực tế chúng tôi cũng không quá khó khăn trong quá trình thực hiện vì Mặt trận chủ yếu giám sát thông qua văn bản, báo cáo. Nếu yêu cầu cần phải khai thác sâu thì giao cho các bộ và các cơ quan chuyên môn để họ có đánh giá, thẩm định cho nên trong các đoàn giám sát, chúng tôi đều có cơ cấu, thành phần là các cơ quan chuyên môn cùng tham gia.

Tuy nhiên, khi đi giám sát, chúng tôi cũng gặp áp lực về thời gian. Nếu muốn giám sát sâu, giám sát kỹ, đi đến từng địa bàn thì thời gian chính là bài toán khó nhất cho cả cơ quan giám sát và cơ quan bị giám sát. Bên cạnh đó, thành phần tham gia đoàn giám sát không phải lúc nào cũng bố trí được người tham gia từ đầu đến cuối mà họ thay đổi theo từng kỳ cuộc.

Phóng viên: Thưa bà, Mặt trận chỉ có chức năng giám nhưng không có chế tài xử lý. Vậy việc tổ chức giám sát hiệu quả mang lại đến đâu?

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh: Đúng vậy, chức năng chính của Mặt trận là giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cho nên khi phát hiện vấn đề ở địa phương nào, chúng tôi phải đề nghị chính quyền cũng như các cơ quan liên quan của địa phương đó quan tâm tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật nếu có vi phạm. Ngoài ra, hàng năm, địa phương phải đánh giá tác động môi trường và có báo cáo gửi đến cơ sở, nơi đơn vị tọa lạc trên địa bàn để người dân cùng được biết.

Phóng viên: Sự cố vỡ đập thải Nhà máy phân bón DAP số 2 ở Lào Cai cho thấy, việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh: Qua giám sát tại Lào Cai cũng như qua trao đổi, thảo luận tại tỉnh, chúng tôi thấy rằng, sau sự cố vỡ đập, Nhà máy phân bón DAP số 2 đã báo cáo với UBND tỉnh và tỉnh cũng đã chỉ đạo để có phương án di dời người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Sự cố vỡ đập xảy ra thuộc trách nhiệm của bên nào thì cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ nhưng rõ ràng Nhà máy phân bón DAP số 2 chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với người dân. Khi sự việc xảy ra, nếu việc cưỡng chế di dời được thực hiện quyết liệt hơn thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.

Phóng viên: Thưa bà, giám sát của MTTQ Việt Nam chủ yếu mang tính phòng ngừa. Vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hơn ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, Mặt trận cần tăng cường công tác giám sát như thế nào khi thực hiện việc này?

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh: Việc giám sát của Mặt trận góp phần giúp cho các đơn vị cũng như các cấp chính quyền quan tâm hơn đến các nội dung liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, nếu không có ai giám sát, không có cơ quan nào để ý đến thì việc chỉ đạo cũng chỉ có mức độ, nhưng khi có cơ quan đến giám sát thì rõ ràng cấp ủy, chính quyền cũng sẽ có những động thái quan tâm hơn.

Kế hoạch giám sát môi trường được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2019, nhưng thực tế năm 2018 mới là năm đầu tiên triển khai kế hoạch. Năm 2019, sẽ có đánh giá tổng thể xem người dân đang bức xúc ở đâu, có cơ sở hay không… để góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt đối với người dân trong lĩnh vực này.

Ngày 8/11/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2019.

Chương trình nhằm phát huy vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, có cơ sở để biểu dương các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt, nhân rộng những mô hình tiêu biểu trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu