Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, vấn đề cử tri quan tâm

(Mặt trận) - Tiếp tục Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Công an.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển 

Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội, để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.

Nhấn mạnh đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức hoạt động chất vấn, sau phiên chất vấn lần đầu được tổ chức thành công vào tháng 4/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, để lựa chọn đúng và trúng các lĩnh vực, vấn đề cần chất vấn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; căn cứ khoản 1, Điều 26, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; căn cứ khoản 1, Điều 17 Quy chế 334 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội; trên cơ sở tổng hợp đề xuất chất vấn của 58 Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, ý kiến phản ảnh và kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, Bộ trưởng Công an sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề: Công tác đảm bảo an ninh an toàn thông tin và phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên Internet; quản lý nhà nước về an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tình trạng đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, tội phạm cho vay lãi nặng, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; vấn đề bảo mật thông tin cá nhân…; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn về: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch; chính sách khuyến khích xã hội hóa phát triển ngành Du lịch.

 

Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, bao gồm công tác bảo quản, phục hồi, tu bổ di tích, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và đạo đức ứng xử, bao gồm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam; công tác phối hợp với các ban bộ ngành trong triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao. Mỗi câu hỏi không quá 1 phút, thời gian tranh luận với Bộ trưởng không quá 2 phút, không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội.

“Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực và vấn đề đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu; đồng thời cho biết, kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn, sáng 10/8. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Phát biểu về vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Công an thể hiện sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, sự quan tâm của cử tri cả nước đến lực lượng Công an nhân dân, góp phần giúp lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, định hướng xây dựng lực lượng Công an nhân dân, mà các cấp ủy đảng có trách nhiệm tổ chức thực hiện trong đó có vai trò quan trọng của Đảng đoàn Quốc hội đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đảm bảo cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động, cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân, phân bổ ngân sách, đảm bảo xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo lộ trình đã đề ra.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hoạt động chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cũng là một trong những nội dung giám sát quan trọng góp phần thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị. Những nội dung chất vấn đều là những vấn đề “nóng bỏng” của thực tiễn mà cử tri nhân dân cả nước quan tâm, đồng thời là những vấn đề có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Mặc dù lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp công tác, đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng nhìn tổng thể chung, chúng ta đã giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ được lợi ích quốc gia, dân tộc trong môi trường thế giới, khu vực nhiều diễn biến phức tạp, nhiều lĩnh vực công tác có chuyển biến tích cực nhưng không ít tồn tại, khó khăn, thách thức và những nguy cơ trên từng mặt công tác. Có những vấn đề mới chưa từng có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm như việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên không thể tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: Một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục như thế nào?

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả chi tiết được in trên hộ chiếu được thực hiện theo đúng quy định của luật.

Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đều dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có ba nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc chưa chấp nhận. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc.

Bộ trưởng lý giải, quá trình thực hiện việc này đúng quy định pháp luật. Một số nước chưa chấp nhận vì có lý do rất thực tế, vì họ muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân vào nước họ, ở địa phương nào cụ thể.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật". Bộ Công an đã có giải pháp để khắc phục việc này. Trước mắt, công dân thấy cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an đã bàn với các cơ quan liên quan bổ sung nơi sinh vào phần bị chú trong hộ chiếu, để tạo thuận lợi cho công dân.

Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung những thông tin này.

"Về trách nhiệm, Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này, chúng tôi nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trước khi phiên chất vấn diễn ra, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, trong đó có việc cấp hộ chiếu mẫu mới đang được dư luận quan tâm.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối tháng 11/2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện quy định của Luật, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73 ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan. So với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Bộ Công an lý giải hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu phổ thông mẫu mới là những hình ảnh tiêu biểu về cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là điểm đến ấn tượng, thú vị (các hình ảnh đưa vào hộ chiếu đã được Hội đồng gồm các chuyên gia về văn hóa, họa sĩ, nhà sử học... thẩm định).

Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ tổ chức tuyên truyền về mẫu hộ chiếu mới và thời điểm cấp hộ chiếu cũng như tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến (dịch vụ công cấp độ 4) để hạn chế công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Theo Bộ Công an cho biết, theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Ngoài ra, ICAO cũng quy định cụ thể về cách thiết kế, bố trí từng nội dung thông tin trên trang nhân thân của hộ chiếu để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với máy đọc hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới.

"Mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế", Bộ Công an khẳng định.

Giải thích cho việc hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, Bộ Công an cho biết, theo quy định của ICAO, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh. Trên cơ sở này, Bộ Công an ban hành Thông tư 73, và mẫu hộ chiếu mới ban hành theo thông tư không có thông tin nơi sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trong quá trình nhập cảnh.

Về vấn đề một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, theo Bộ trưởng Công an, cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật.

Với nhận định hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại, Bộ Công an cho biết để giải quyết cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, cơ quan này đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị.

"Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục "nơi sinh" trang nhân thân hộ chiếu", báo cáo của Bộ Công an nêu rõ và cho biết đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này.