Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên

(Mặt trận) - Sáng 10/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tình hình hiện nay. Các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Quanh cảnh Hội thảo.

Đề cập đến giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tình hình hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, trong toàn bộ hoạt động của MTTQ Việt Nam, hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động vừa là nguyên tắc tổ chức, vừa là phương thức hoạt động cơ bản và đặc trưng nhất của Mặt trận.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, trên cơ sở quy định của pháp luật và Điều lệ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp đã xây dựng quy chế phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong MTTQ Việt Nam cùng cấp, như phối hợp thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phối hợp thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phối hợp nắm bắt tình hình, thu thập ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội…

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

 Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn đánh giá sự gắn kết, chủ động trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam chưa cao. Còn nhiều tổ chức thành viên chưa chủ động triển khai hoặc đề xuất các nội dung phối hợp, chưa làm rõ trách nhiệm của từng thành viên, vẫn còn chồng chéo, trùng lắp khi triển khai ở một số hoạt động.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, căn cứ lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phân tích làm rõ nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó cần đánh giá thực trạng công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên để tìm ra giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên trong thời gian tới.

Nêu quan điểm của mình, ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động có mối quan hệ gắn bó, là tiền đề, là sản phẩm của nhau. Hiệp thương dân chủ là cái đi trước, cái mở đường cho phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên. Từ ý nghĩa thực tiễn đó, ông Truyền đề nghị phải tiếp tục nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận là tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động vì đây là bản sắc, đặc trưng riêng của MTTQ Việt Nam.

Ông Truyền cũng cho rằng, cần khuyến khích và tôn trọng các sáng kiến, đề xuất các hoạt động phối hợp của các tổ chức thành viên để làm phong phú, đa dạng các chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam trên các lĩnh vực sát với yêu cầu cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, tránh lạm dụng dàn trải quá nhiều gây quá tải, kém hiệu quả. “Mỗi chương trình phối hợp thống nhất hành động cần nêu rõ mục tiêu, nội dung, phân công các tổ chức thành viên tham gia theo khả năng, thế mạnh và tôn trọng tính tự nguyện của các tổ chức thành viên”. Ông Truyền đặt vấn đề.

Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình cũng nhận định, đã đến lúc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tổ chức hiệp thương tránh đi tính hình thức mà phải đi vào thực chất. Các tổ chức thành viên phải phát huy vai trò của mình nêu ra các ý kiến, phản ánh xác thực để Mặt trận giám sát, phản biện, từ đó nâng cao vị thế, vai trò, tính chủ động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân đề nghị MTTQ cần tập hợp, kết nối rộng rãi các tổ chức thành viên, từ đó định hướng triển khai các chương trình phối hợp đạt hiệu ứng tích cực. Đối với những nội dung do MTTQ Việt Nam chủ trì, các tổ chức thành viên nên có sự tham vấn, đóng góp ý kiến dân chủ để có sự thống nhất cao từ đó tích cực tham gia hưởng ứng qua việc huy động nguồn lực con người, kinh phí để đảm bảo các chương trình do Mặt trận chủ trì thành công.

Từ thực tiễn phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Nghị quyết liên tịch 525 về tiếp xúc cử tri của ĐBQH, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, đây là mô hình và cách làm hiệu quả. Qua phối hợp giữa hai bên, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã linh hoạt hơn, những ý kiến cử tri phản ánh qua các cuộc tiếp xúc rất phong phú, kịp thời, tiếng nói của nhân dân được chuyển tải đến chính quyền các cấp, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, ông Hùng cho rằng, việc phối hợp cần phải có cơ chế thông qua văn bản để cụ thể hóa và xác định trách nhiệm, cơ chế đánh giá phối hợp giữa các bên với nhau để hoạt động phối hợp được hiệu quả và phát huy thế mạnh của các tổ chức.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh khẳng định, những đề xuất, giải pháp được các đại biểu đưa ra đã phân tích, để làm rõ nguyên tắc hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam. “Đây là bản sắc, đặc trưng riêng để mang lại hiệu quả cao trong công tác phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên”. Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, các ý kiến cũng đề cập đến việc tăng cường tính chủ động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, đảm bảo nguyên tắc và cơ chế phối hợp, chủ động xây dựng bộ máy, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, các kiến nghị từ Hội thảo sẽ được tổng hợp, từ đó giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn và các giải pháp khả thi để bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp, tạo sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với các tổ chức thành viên.

 

Các đại biểu thảo luận bên lề cuộc Hội thảo.